Theo AP, phát hiện đặc biệt đó là những đụn cát giàu muối, có vỏ mang những vết nứt, mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin rằng có khả năng đã trộn lẫn với sương giá hoặc tuyết tan cách đây khoảng 1,4 triệu đến 400.000 năm, thậm chí là gần hơn.
Nói cách khác, chiến binh Zhurong (Chúc Dung) đã tìm thấy thứ có thể là bằng chứng về hoạt động của nước vào khoảng thời gian mà các nhà khoa học từng tin rằng Sao Hỏa đã khô cạn.
Tàu Zhurong của Trung Quốc - Ảnh: CNSA
Nếu các xe tự hành Curiosity hay Perseverance của NASA tìm thấy nhiều bằng chứng về sông, hồ, biển cổ đại cùng khả năng tồn tại một lớp sinh vật đã tuyệt chủng vài tỉ năm trước; thì Zhurong đã may mắn hơn khi tìm thấy nơi có thể tồn tại sự sống chỉ vài trăm ngàn năm trước, thậm chí là vẫn còn sống.
Khu vực mà Zhurong có phát hiện đột phá này lại là một vùng tương đối ấm áp của hành tinh đỏ: Uptopia Planitia của Sao Hỏa, một đồng bằng rộng lớn ở Bán cầu Bắc.
Phát hiện mới chỉ là bước đầu. Theo bài công bố của nhóm nghiên cứu Trung Quốc trên tạp chí Science Advances, việc nghiên cứu cấu trúc và thành phần hóa học của những đụn cát này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về khả năng hoạt động của nước trong thời kỳ này.
"Chúng tôi nghĩ rằng đó có thể là một lượng nhỏ, không khác gì một màng nước trên bề mặt" - đồng tác giả Xiaoguang Qin từ Viện Địa chất và địa vật lý Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết.
Một phần quang cảnh Uptopia Planitia chụp từ tàu quỹ đạo - Ảnh: NASA
Bình luận về công trình, nhà khoa học hành tinh Frederic Schmitdt từ Trường Đại học Paris-Saclay (Pháp), người không tham gia nghiên cứu, cho rằng điều đáng chú ý là nghiên cứu các độ tuổi của các đụn cát này.
Một chuyên gia quan sát khác là nhà địa chất Sao Hỏa Mary Bourke từ Trường Đại học Trinity Dublin, cho biết Zhurong đã cung cấp bằng chứng cho thấy sự phân bố rộng hơn của sương giá - điều mà sứ mệnh Viking của NASA quan sát lần đầu vào thập niên 1970 - và việc tìm kiếm nguồn gốc của lượng nước này rất quan trọng để xác định những địa điểm có thể ở được.
Trở ngại duy nhất là tàu Zhurong hiện đã "gặp nạn" trên Sao Hỏa, mất liên lạc với mặt đất khoảng 1 năm nay. Các nhà điều hành sứ mệnh cho rằng những cơn bão bụi tàn khốc của Sao Hỏa đã khiến các tấm pin Mặt Trời của nó bị phủ đầy bụi, dẫn đến cạn năng lượng.
Bão bụi cũng từng hạ gục 2 chiến binh Sao Hỏa khác của NASA là xe tự hành Opportunity và tàu đổ bộ cố định Mars Insight, trong đó Insight vừa "chết" vào cuối tháng 12-2022.
Hiện trên Sao Hỏa còn 2 tàu đổ bộ vẫn đang hoạt động là cặp xe tự hành Curiosity và Perseverance của NASA, trong đó cái "già" hơn là Curiosity nổi tiếng vì là thiết bị đầu tiên của nhân loại phát hiện ra "khối xây dựng sự sống" trên Sao Hỏa. Hai robot này đều vận hành bằng năng lượng hạt nhân nên không bị bão bụi ảnh hưởng.
Bình luận (0)