Theo Live Science, tàu vũ trụ của Trung Quốc có thể đã mở đường cho việc phát hiện ra hàng tỉ tấn nước trên Mặt Trăng, là nguồn tài nguyên vô tận cho các sứ mệnh tương lai, bao gồm việc lập căn cứ, và có thể là tin thú vị đối với những người tin tưởng thế giới này có hoặc đã từng có sự sống.
Bài công bố trên Nature Geoscience hôm 28-3 cho biết đó là các quả cầu thủy tinh nhỏ xíu, được thu thập từ đất Mặt Trăng từ tháng 12-2020, sau đó mang về Trái Đất.
Tàu vũ trụ Hằng Nga 5 của Trung Quốc - Ảnh: CNSA
Dựa vào cấu trúc của những quả cầu, đất bề mặt của Mặt Trăng có thể chứa đến 330 tỉ tấn nước nếu như sự phân bố của chúng là phổ biến.
Đó là các quả cầu va chạm được hình thành khi các thiên thạch cổ đại đâm vào vệ tinh tự nhiên của Trái Đất với tốc độ hàng chục đến hàng trăm km/giờ, làm nổ tung các khối vỏ của Mặt Trăng vào không khí.
Bên trong những đám mây khí này, các khoáng chất silicat được nung nóng đến nhiệt độ nóng chảy do lực va chạm, kết hợp với nhau để tạo thành "thủy tinh va chạm".
Đất của Mặt Trăng chứa oxy, điều đó có nghĩa là các hạt được gói vào thủy tinh va chạm cũng vậy. Khi va chạm với các nguyên tử hydro từ gió Mặt Trời, oxy trong các quả cầu nóng chảy sẽ phản ứng thành nước bị hút vào bên trong.
Các quả cầu va chạm này có thể rất phổ biến trên khắp Mặt Trăng, nơi mà từ Trái Đất cũng có thể thấy nó chi chít các hố va chạm. Nhiều quả cầu được chôn vùi trong đất Mặt Trăng, giấu nước bên trong.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các hạt này có khả năng giải phóng nước vào bề mặt và khí quyển Mặt Trăng, một gợi ý thú vị cho các cơ quan vũ trụ của Mỹ (NASA), Trung Quốc (CNSA), vốn có sẵn kế hoạch xây dựng căn cứ Mặt Trăng và rất cần nguồn nước tại chỗ.
Nhà địa chất hành tinh Sen Hu từ Viện Địa chất và địa vất lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả cho biết có thể chiết xuất nước từ các quả cầu thủy tinh va chạm này và chưng cất nó để tạo nên nước đóng chai.
Bình luận (0)