Thông thường tuổi thọ của một loài phụ thuộc nhiều vào kích thước của chúng và những sinh vật nhỏ bé có vòng đời rất ngắn. Điều đó không đúng với dơi tai chuột. Dù cơ thể chỉ bằng 1/648 con người nhưng chúng sống được ít nhất 20-30 năm.
Dơi tai chuột thọ nhất được ghi nhận là 41 tuổi. Đặc biệt, chúng hầu như không già đi trong suốt cuộc đời.
Qua phân tích bộ gen của chúng, nhóm nghiên cứu này đã phát hiện chìa khóa nằm trong các telomere – một cấu trúc mà con người cũng sở hữu. Telomere là phần chóp nằm ở cuối đoạn DNA để bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị tổn hại. Nó bị ngắn đi mỗi lần tế bào nhân bản. Khi nó ngắn đến mức không còn khả năng bảo vệ nhiễm sắc thể, tế bào già đi và không còn hoạt động hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu ở con người trước đó đã chứng minh những tác động giúp các telomere chậm ngắn đi, ví dụ việc sinh con ở phụ nữ, sẽ giúp con người chậm lão hóa.
Loài dơi lại sở hữu một gen đặc biệt khiến cho nó có thể tự sửa chữa telomere. Telomere của loài dơi bị ngắn đi cực kỳ chậm và khiến chúng trở nên trường sinh bất lão so với các họ hàng có cùng kích thước.
Tác giả Emma Teeling đến từ University College Dublin cho biết có thể dơi đã tìm ra cách để kéo dài nhiễm sắc thể mà không gây ung thư. Nhóm nghiên cứu sẽ cần thêm thời gian để giải thích rõ ràng cơ chế bị ẩn này cũng như sử dụng nó cho những nghiên cứu cao hơn, ví dụ tìm cách ứng dụng lên việc bảo vệ sức khỏe con người.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
Bình luận (0)