Trái đất (trái) và hành tinh song sinh Kepler 452b mới được phát hiện. Ảnh: NASA
Điều đặc biệt là hành tinh này có bán kính gần bằng trái đất (gấp rưỡi trái đất), được đặt tên là Kepler 452b, quay quanh ngôi sao giống như mặt trời với quỹ đạo 385 ngày, chỉ dài hơn thời gian trái đất xoay quanh mặt trời 20 ngày.
Khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao của nó chỉ dài hơn 5% khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Do đó, nhiệt độ ở đây dự đoán khá ấm, thích hợp cho nước tồn tại trên bề mặt. Đây được xem là một phát hiện mang tính lịch sử của ngành thiên văn quốc tế.
Theo nhận định từ NASA, nhiều khả năng hành tinh này có thể cấu tạo bằng đá giống như trái đất với tỉ lệ 50-62%, tùy thuộc vào khoảng cách chính xác giữa Kepler 452b với ngôi sao. Nếu điều này đúng, khối lượng của Kepler 452b sẽ nặng gấp 5 lần trái đất.
Tiến sĩ Jon Jenkins thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA cho rằng một hành tinh như vậy có lẽ sẽ có một bầu trời với mây dày đặc che phủ và có nhiều núi lửa động. Cũng theo thông tin được tiết lộ trong buổi họp báo, ngôi sao chiếu sáng hành tinh Kepler 452b lớn hơn và sáng hơn 20% mặt trời của chúng ta, đồng thời già hơn mặt trời chúng ta khoảng 1,5 tỉ năm.
Tiến sĩ cho biết thêm NASA nhận định hành tinh này đã có tới 6 tỉ năm quay quanh ngôi sao của nó. “Chúng ta có thể tưởng tượng rằng người anh em của trái đất Kepler 452b già hơn, lớn hơn hành tinh của chúng ta. Nó sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiểu và phản ánh môi trường phát triển của trái đất… Đây là cơ hội lớn để sự sống phát sinh, nên tất cả các thành phần và điệu kiện sống cần thiết sẽ tồn tại trên hành tinh này”, ông nói.
Khi được hỏi liệu kính thiên văn vô tuyến có định hướng vào hành tinh này nhằm xác định sóng vô tuyến lạ ngoài trái đất chưa, Tiến sĩ Jenkins trả lời: “Tôi hy vọng như vậy”.
Trước câu hỏi liệu một ngày nào đó chúng ta có thể đặt chân lên Kepler 452B, nhà nghiên cứu Jeff Coughlin chia sẻ: “Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời. Bởi lẽ, hiện chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và đưa ra những thông tin chính xác nhất về Kepler-452b. Nếu có một ngày con người có thể đặt chân lên Kepler-452b thì cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa”.
Kính viễn vọng Kepler được NASA đưa vào sử dụng vào năm 2009 với sứ mệnh khám phá các hành tinh có sự sống ngoài vũ trụ. Các nhà thiên văn cho hay qua Kepler, họ biết được khoảng 10% trong số 200 tỉ ngôi sao trong dải Ngân hà có kích thước và khả năng chứa sự sống như trái đất và Kepler 452b có lẽ nằm trong số này.
Bình luận (0)