Không dễ để phát hiện ra ai đó nói dối. Nếu là cuộc gặp gỡ mặt đối mặt, chí ít cũng có các dấu hiệu để chúng ta phát hiện ra ai đó có điều không thật, ví dụ như sự di chuyển bất thường của con ngươi, mồ hôi, những động tác thừa… Thế nhưng, với các tin nhắn trên thiết bị công nghệ, có vẻ việc phát hiện nói dối là bất khả thi?
Trong một nghiên cứu vừa được đăng tải trên website dữ liệu khoa học arXiv, các nhà khoa học đến từ Đại học Cornell (New York - Mỹ) đã phát triển một ứng dụng trên Android và phân tích 1.703 cuộc hội thoại trên ứng dụng để tìm ra những khác biệt giữa lời nói thật và những lời nói dối.
Nhiều thói quen vô thức có thể tiết lộ ban đang từ chối khéo hoặc "hứa lèo" đối với người nhận tin nhắn - Ảnh: DAILY MAIL
Kết quả cho thấy quả thật có những "mẫu số chung" bất ngờ trong lời nói dối, mà nếu tinh ý một chút bạn có thể phát hiện.
Cách sử dụng đại từ nhân xưng là biểu hiện phổ biến nhất ở cả nam và nữ. Khi nói thật, bạn không ngại xưng "tôi" và gọi người đối diện là "bạn, anh, chị" theo cách bạn quen gọi họ trực tiếp. Tuy nhiên, hãy thử mở điện thoại và xem lại những lời hứa "cho có", những lời từ chối xã giao… bạn sẽ thấy mình đang nhắn tin trống không hoặc mượn người khác để nói.
Các nhà khoa học lý giải rằng đại từ ngôi thứ nhất "tôi" thường biểu hiện trách nhiệm, quyền sở hữu, trong khi các từ thay thế thường báo hiệu khoảng cách và sự lập lờ.
Đôi khi, những từ khẳng định dư thừa hoặc có vẻ quá quyết liệt lại cho kết quả ngược. Với phụ nữ, khi từ chối, họ cũng lập lờ: "để thử xem…", trong khi nam giới lại hay thêm "chắc chắn" vào một lời hứa khi họ… chẳng có ý định thực hiện nó.
Phụ nữ cũng dễ để lộ lời nói dối hơn, vì họ có thói quen "dài dòng văn tự" khi nói một điều không thật. Thay vì đi thẳng vào vấn đề, lời nói dối thường rào trước đón sau, nói lạc đề sang chuyện người khác, dài hơn và chứa nhiều từ không cần thiết. Trong khi đó, độ dài trong tin nhắn thực hay dối của quý ông lại như nhau.
Bình luận (0)