Thế giới biết đến nhà thám hiểm người Nga Fabian von Bellingshausen như người đầu tiên khai phá Nam Cực vào năm 1820. Nhưng kỷ lục của ông đã bị phá vỡ bởi những người Polynesia sống vào thế kỷ thứ 7, theo nghiên cứu mới công bố của Đại học Otago (New Zealand).
Một con thuyền Maori, là con cháu "tộc người băng giá" Polynesia - Ảnh: GIZMODO
Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Priscilla Wehi, nhà sinh vật học bảo tồn của Đại học Otago, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết lịch sử cổ đại được người Ngati Rarua lưu truyền, các truyện kể dân gian và một số bức chạm khắc cổ mà họ tìm thấy đã mô tả những chuyến đi kỳ lạ của Hui Te Rangiora, một thủ lĩnh Polynesia đến vùng "đại dương đóng băng" mang tên Te tai-uka-a-pia.
Họ đã mô tả về một thế giới với một số loài thực vật và động vật có vú kỳ lạ, trùng khớp với mô tả về hệ động thực vật Nam Cực ngày nay.
Các bằng chứng cũng chứng minh tộc người băng giá này đã đến với thềm băng Ross của Nam Cực. Và tộc người băng giá đã thường xuyên du ngoạn đến vùng biển thú vị và đầy hiểm trở này. Nhóm nghiên cứu mô tả họ đã băng qua Thái Bình Dương để đến đây "nhiều như các nhà thám hiểm phương Tây có thể đi qua một cái hồ"!
Người Polynesia chính là tổ tiên của người Maori – cư dân bản địa ở Nam New Zealand ngày nay. Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of the Royal Society of New Zealand.
Vùng đại dương đặc biệt quanh Nam Cực này vừa được Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ công bố là đại dương thứ 5 của thế giới với tên "Nam Đại Dương" chứ không còn là một phần của 3 đại dương lớn như trước đây.
Bình luận (0)