Phát xạ vô tuyến bí ẩn từ trung tâm Milky Way – thiên hà chứa trái đất - đã dẫn các nhà khoa học gia từ Đại học Oxford (Anh) và Đài Thiên văn vô tuyến Quốc gia (NRAO - Mỹ) đến 2 vật thể khổng lồ và bí ẩn đang trú ngụ gần lỗ đen trung tâm Sagittarius A *. Đó là một cấu trúc bong bóng lưỡng cực có kích thước 1.403x457 năm ánh sáng. 1 năm ánh sáng tương đương 9,5 nghìn tỷ km.
Hệ thống kính viễn vọng MeerKAT và hình ảnh từ sóng vô tuyến ghi nhận được - ảnh: OXFORD/NRAO
Kết quả trên dựa vào những tín hiệu mà kính viễn vọng MeerKAT của Đài quan sát thiên văn vô tuyến Nam Phi thu nhận được. Phát xạ vô tuyến loại này được tạo ra trong một quá trình được gọi là bức xạ synchrotron, trong đó các electron chuyển động gần với tốc độ ánh sáng tương tác với từ trường mạnh. Điều này tạo ra tín hiệu vô tuyến đặc trưng có thể được sử dụng để theo dõi các vùng năng lượng trong không gian.
Chính các sóng vô tuyến từ cặp bong bóng khổng lồ đã giúp các nhà khoa học "nhìn" kỹ vào cấu trúc và hiểu được bản chất của vật thể kỳ lạ: chúng có thể là kết quả của những vụ nổ năng lượng phi thường nổ ra gần lỗ đen siêu khối Sagittarius A *, thứ được giới thiên văn mệnh danh là "quái vật".
Với khoảng cách xa xôi từ cấu trúc bong bóng lưỡng cực đến trái đất, các nhà khoa học ước tính phải mất hàng triệu năm để tín hiệu vô tuyến đi từ bên này đến bên kia. Vì vậy, những gì chúng ta bắt được bây giờ là thứ phát ra từ những vụ nổ đã xảy ra hàng triệu năm trước, theo tiến sĩ William Cotton từ NRAO, thành viên nhóm nghiên cứu.
Vụ nổ năng lượng sinh ra cấu trúc bong bóng lưỡng cực có thể được kích hoạt bởi một lượng lớn khí liên sao bị lỗ đen nuốt chửng, hoặc một vụ nổ tới từ một sự hình thành sao đã gửi những làn sóng xung kích dữ dội qua trung tâm thiên hà. Bong bóng thực chất là một cụm khí nóng phồng lên, bị ion hóa gần trung tâm thiên hà. Quá trình này tạo cho nó một năng lượng khổng lồ, khiến sóng vô tuyến phát xạ mạnh đến nỗi một hành tinh xa xôi như trái đất cũng bắt được.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Bình luận (0)