Vượt qua bệnh tật là điều ai cũng hy vọng, cho nên bộ não nhân tạo Artificial Intelligence của Đại học Stanford (Mỹ) cũng vấp phải không ít chỉ trích khi ra đời. Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ thực tế, biết trước được cái chết không thể tránh khỏi thực sự có thể giúp bệnh nhân trải qua những ngày cuối cùng nhẹ nhàng hơn nhờ một phương án chăm sóc giảm nhẹ hợp lý.
Theo các nhà nghiên cứu, có quá nhiều người phải vật lộn với những ngày cuối cùng trong ICU (đơn vị hồi sức tích cực), trải qua nhiều thủ thuật đau đớn và tốn kém không cần thiết, chỉ vì người nhà hy vọng họ sẽ sống được.
Đa số mọi người muốn trải qua những ngày cuối thoải mái tại nhà hơn là nằm giữa một đống máy móc trong ICU và chịu những thủ thuật đau đớn níu giữ hy vọng sống không có thực - ảnh: NEWSWEEK
Trái với những kỳ vọng trong vai trò thân nhân, người ta có vẻ nghĩ khác khi tự đặt mình vào vai trò bệnh nhân. Một khảo sát được thực hiện cho thấy có đến 80% người Mỹ mong muốn được trải qua những tháng cuối cùng thoải mái trong nhà riêng, làm những điều mình thích. Thế nhưng, chỉ có 20% làm được điều đó vì các bác sĩ và cả người nhà sẽ muốn họ cố gắng đến phút cuối trong bệnh viện.
Vì vậy, trí tuệ nhân tạo sẽ được giao phó cho công việc nặng nề: thông báo sự thật về cái chết, để bệnh nhân và thân nhân có hướng xử lý chính xác hơn. Đồng thời, nó sẽ giúp bác sĩ tránh bớt các tiên lượng khả quan quá mức, đồng thời cũng không bỏ sót các ca còn hy vọng. Các "tiên đoán" này thực ra là kết quả của những thuật toán tinh vi dựa trên bệnh cảnh và các yếu tố liên quan.
Về mặt chuyên môn, điều này có lợi rất nhiều cho bệnh nhân. Thay vì chịu đau đớn bởi vô số thủ thuật cố tìm một hy vọng sống không có thật, họ sẽ nhận được chăm sóc giảm nhẹ - với mục tiêu chính là giảm đau đớn, khó chịu do bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân có một kết thúc thoải mái hơn.
Bình luận (0)