Theo Sci-News, quái vật nói trên được đặt tên là Migmanychion laiyang, thuộc một nhóm khủng long maniraptorian bao gồm các thành viên biết bay.
Các thành viên maniraptorian xuất hiện lần đầu trong hồ sơ hóa thạch từ kỷ Jura và dòng dõi của chúng tồn tại cho đến ngay nay dưới hình dạng các loài chim hiện đại. Maniraptorian thuộc về một nhóm lớn hơn gọi là "khủng long chân thú", từng được chứng minh là tổ tiên của loài chim.
Chân dung quái vật vừa lộ diện ở Đồi Bồ Câu
Quái vật mới được khai quật là một thành viên hoàn toàn mới của nhóm, chưa từng được phát hiện ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điểm nổi bật của nó là cánh tay dài và bàn tay có ba ngón, cùng xương hình bán nguyệt đặc biệt ở cổ tay.
Nó sở hữu bàn tay khác với các loài khủng long chân thú khác, giúp cung cấp thêm một mảnh ghép quan trọng cho bức tranh phức tạp của dòng dõi này.
Hóa thạch của Migmanychion laiyang đã được tìm thấy tại địa danh mang tên "Đồi Bồ Câu" thuộc hệ tầng Long Giang ở Nội Mông - Trung Quốc.
"Trong thập kỷ qua, một khu vực hóa thạch nước ngọt mới thuộc đầu kỷ Phấn Trắng - Đồi Bồ Câu - đã thu hút sự chú ý rộng rãi vì mang lại những hóa thạch được bảo tồn đặc biệt của Quần xã sinh vật Jehol" - nhà nghiên cứu Yichuan Liu từ Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Quần xã Jehol là một vùng rộng lớn với trung tâm thuộc phía Tây tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc, nơi chứa tàn tích những hệ sinh thái phong phú.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Bình luận (0)