Theo Science Alert, những khối kính kỳ lạ này quá nhiều đến nỗi không thể đếm được, tập trung dày đặc hơn ở một số địa điểm, đã trải dài theo hành lang sa mạc. Các khối kính có chỗ thô ráp, có chỗ mịn màng, nhưng đều mang hình dáng quái dị như bị cái gì đó gấp và xoắn lại một cách thô bạo khi còn nóng.
Các địa điểm tập trung nhiều khối thủy tinh cỡ lớn - Ảnh: Geology
Nghiên cứu vừa công bố trên Geology cho biết những thứ này đã được tạo ra khoảng 12.000 năm trước, với giả thuyết ban đầu là một vụ nổ tung thiên thạch lớn trong bầu khí quyển, ném những mảnh đá không gian nóng và bốc lửa lên bề mặt sa mạc. Những mảnh đá này nóng tới nỗi nung chảy cát tại chỗ và rèn thành thủy tinh.
Điều đó có vẻ hợp lý, bởi thủy tinh thiên thạch hình thành theo cách đó đã xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp Trái Đất, cho dù đa phần nhỏ hơn nhiều.
Một khu vực đầy thủy tinh của Atacama - Ảnh: Geology
Nhóm tác giả dẫn đầu bởi giáo sư Peter Schultz, nhà địa chất hành tinh từ Đại học Brown (Rohde Island), đã kiểm chứng giả thuyết đó, nhưng cho rằng có thể các "cuộc tấn công ngoài hành tinh" làm nung chảy cát không đóng vai trò hoàn toàn cho những thứ bí ẩn này.
Các khối thủy tinh có hình dạng và kết cấu kỳ dị - Ảnh: Geology
Kiểm tra 300 mẫu thủy tinh sa mạc, họ phát hiện ra nhiều cái không hoàn toàn thuộc về hành tinh này. Vì vậy các tác động ngoài hành tinh quá khứ có vẻ không chỉ tạo ra "trường thành thủy tinh" bằng vật liệu của Trái Đất, mà còn có gì đó đã nổ tung, vỡ tan, trực tiếp ném những mảnh thủy tinh từ cơ thể chúng xuống sa mạc.
Giả thuyết khả dĩ nhất là một sao chổi khổng lồ.
Thời điểm mà sao chổi giả thuyết tấn công Trái Đất và để lại những mảnh cơ thể cũng trùng khớp với sự kiện tuyệt chủng của loài megafauna - động vật có vú lớn của kỷ băng hà, do đó các nhà khoa học đang kiểm chứng thêm các tác động đối với con người cổ đại và các động thực vật khác trong khu vực, bởi tuyệt chủng diện rộng thường là bằng chứng sống động cho việc một tác động ngoài hành tinh mạnh mẽ làm "rung chuyển" địa cầu, theo tờ Time.
Bình luận (0)