Trọng lượng trung bình của tuần lộc trưởng thành trên chuỗi đảo Svalbard, phía Bắc Na Uy, đã giảm từ 55 kg xuống còn 48 kg vào những năm 1990.
“Nhiệt độ tăng làm mùa hè ấm hơn nhưng đổi lại, mùa đông trở nên khắc nghiệt đối với những con tuần lộc” - giáo sư Steve Albon, nhà sinh thái học tại Viện Hutton James ở Scotland, cho biết.
Mùa đông ít lạnh có nghĩa là tuyết rơi nhiều hơn mưa, dẫn đến thức ăn của tuần lộc bị đóng băng. Do đói ăn thường xuyên nên nhiều con tuần lộc cái sinh ra những tuần lộc con với thân hình còi cọc.
Chỉ đến mùa hè, thực vật trên đảo phát triển mạnh, tuần lộc cái mới được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo thể chất khỏe mạnh khi thụ thai vào mùa thu. Từ 800 cá thể, đàn tuần lộc ở Svalbard đã phát triển lên 1.400 con sau những năm 1990.
Nhưng tuần lộc ở đây có thể trọng nhỏ hơn trước. Số lượng tuần lộc gia tăng cũng đồng nghĩa với việc chúng phải cạnh tranh khốc liệt hơn để tìm kiếm thức ăn trong mùa đông.
Nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới trong bối cảnh gia tăng khí thải nhà kính.
Hầu hết các nghiên cứu về hiện tượng nóng lên toàn cầu ở Svalbard đều tập trung vào gấu Bắc Cực – loài động vật săn tìm thức ăn dưới biển - chứ không phải những loài động vật kiếm ăn trên đất liền như tuần lộc, cáo Bắc cực và chim rock ptarmigan.
Nhà nghiên cứu Eva Fuglei tại Viện Địa cực Na Uy cho biết số lượng cáo Bắc cực đã tăng nhẹ trong những năm gần đây nhờ vào nguồn thức ăn là xác tuần lộc chết.
“Những con tuần lộc yếu đều chết. Cáo Bắc Cực no nê trong mùa đông này nhưng tới mùa đông sau, chúng phải vật lộn tìm thức ăn bởi những con tuần lộc khỏe mạnh đã sống sót qua mùa đông trước” – bà Fuglei nói.
Bình luận (0)