Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature đã hé lộ bức màn về sự biến mất một số sinh vật cổ đại. Họ phân tích các hóa thạch niên đại gần 500 triệu năm của loài nghêu cổ đại ostracods và phát hiện nó có cơ quan sinh dục khá lớn so với cơ thể và một trách nhiệm "yêu" khá nặng nề để gia tăng dân số của loài.
Hình ảnh nghêu Ostracods được phục dựng - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Ostracods có phần vỏ ngoài với không gian chủ yếu dùng để chứa... cơ quan sinh dục. Bộ máy cỡ lớn giúp nó sản sinh ra nhiều tinh trùng hơn và độ dài của tinh trùng lên tới 20%-30% tổng chiều dài cơ thể!
Tác giả chính Gene Hunt, nhà cổ sinh vật học thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Smithsonian, phân tích rằng đó là một lợi thế ngắn hạn, bởi những con đực này có thể có nhiều bạn tình, tần suất giao phối cao, sinh ra nhiều con cháu hơn và giúp nòi giống của chúng nhanh chóng gia tăng dân số.
Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan sinh dục "khủng" và những cuộc "yêu" liên miên đã lấy đi của chúng quá nhiều năng lượng khiến chúng trở nên yếu đuối.
Khi môi trường tự nhiên và khí hậu thay đổi, chúng đã không còn sức lực để thích nghi và vì thế đi dần đến việc tuyệt chủng. Loài nghêu này cũng không phải là sinh vật cổ đại duy nhất được phát hiện có bộ máy sinh sản quá lớn so với kích thước cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này vẫn có thể đúng với các sinh vật hiện đại và giúp các nhà sinh vật học đánh giá được những loài nào dễ tổn thương trước sự thay đổi của môi trường- khí hậu và có phương án bảo vệ.
Bình luận (0)