"Đến khi nào thu được tín hiệu từ vệ tinh mới khẳng định chắc chắn là thành công" - Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng Phòng FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ (ĐH FPT) - cho hay.
Mục tiêu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.
Thời gian “sống” của các vệ tinh trên quỹ đạo tùy thuộc vào độ cao quỹ đạo của trạm ISS lúc thả vệ tinh. Vệ tinh được thả ở độ cao 400 km sẽ “sống” được 250 ngày hoặc 100 ngày nếu ở độ cao 350 km.
Trước đó, vào 21 giờ 40 (giờ Hà Nội) ngày 27-7, tàu vận tải HTV-3 mang theo 5 vệ tinh nhỏ, trong đó có F-1, đã lắp ghép thành công với ISS, sau hành trình 6 ngày trên không gian.
Sau khi ghép nối với ISS, các phi hành gia sẽ sang tàu HTV3 để chuyển các thiết bị J-SSOD và các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Để ra ngoài không gian, các vệ tinh nhỏ sẽ được đặt lên bàn trượt trong khoang điều áp của module Kibo để đưa ra ngoài cho cánh tay robot nắm lấy. Sau đó, thả ra ngoài không gian và bắt đầu nhiệm vụ của mình.
Vệ tinh F-1 được Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace) chế tạo từ năm 2008. Vệ tinh có kích thước 10x10x10 cm và trọng lượng 1 kg.
F-1 là vệ tinh tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phóng thành công vào vũ trụ, là một minh chứng cụ thể rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được vệ tinh nhỏ và làm việc được trong lĩnh vực vũ trụ.
Bình luận (0)