Theo Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Andrea Dupree, Phó giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian - Mỹ, đã phân tích dữ liệu quan sát Betelgeuse từ kính viễn vọng không gian Hubble, từ đó vén màn bí ẩn về cú mờ đi bí ẩn năm 2019.
Betelgeuse là một ngôi sao khổng lồ màu đỏ nằm cách Trái Đất 530 năm ánh sáng. Chúng ta có thể nhìn thấy nó khi hướng về chòm sao Lạp Hộ (Orion, tức "thợ săn"). Betelgeuse là điểm sáng trên vai chàng thợ săn.
Những biến đổi bất thường của ngôi sao "quái vật" - Ảnh: NASA/ESA/STScl
Betelgeuse dường như đang trong giai đoạn hấp hối và năm 2019 các nhà thiên văn đã ngỡ nó sắp đi đến cái chết. Nhưng không, ngôi sao "quái vật" này sau đó lại tiếp tục sáng rõ trở lại một cách không thể hiểu nổi.
Giờ đây, nguyên nhân ngôi sao "chết đi sống lại" kỳ lạ đã được giải thích: Đó là một đám mây bụi khổng lồ đã chắn tầm nhìn giữa ngôi sao và Trái Đất. Nhưng cách mà đám mây bụi được tạo ra là một ngạc nhiên khác.
Theo bài công bố trực tuyến trên arXiv, đám mây che phủ ngôi sao quái vật này là do... chính nó tạo ra.
Đó là một chùm vật chất có chiều ngang hơn 1,6 triệu km, có thể được giải phóng từ bên trong ngôi sao, làm nổ tung một phần bề mặt của ngôi sao. Vụ nổ này mạnh hơn 400 lần so với các vụ phóng khối lượng đăng quang của Mặt Trời chúng ta - tức những quả cầu lửa bằng plasma bắn vào vũ trụ.
Vụ nổ mạnh đến nổi đã thổi bay một phần bầu khí quyển thấp của ngôi sao.
Theo tiến sĩ Dupree, đó là một điều bất thường, một "lãnh thổ chưa được khám phá" trong khoa học sao. Phối hợp dữ liệu Hubble với các quan sát bổ sung từ Đài quan sát robot STELLA đặt tại Canary - Tây Ban Nha và từ tàu vũ trụ STEREO-A quay quanh Trái Đất của NASA, bà và các cộng sự đã đưa ra một bản tường thuật chi tiết về vụ nổ.
Quan sát từ phía NASA khẳng định khối quang quyển mà quái vật Betelgeuse đã giải phóng để tạo nên đám mây có khối lượng lớn gấp vài lần Mặt Trăng của Trái Đất.
Sau vụ nổ, dường như chu kỳ sáng lên và mờ đi sau mỗi 400 ngày của ngôi sao đã bị phá vỡ. Hiện nó đã sáng lại sau thời kỳ bị đám mây che khuất tuy nhiên có mờ hơn xưa. NASA cho rằng bầu khí quyển của ngôi sao có thể phục hồi.
Tuy nhiên, chuỗi hành vi lạ của quái vật Betelgeuse được khẳng định sẽ kết thúc bằng một vụ nổ lớn - cái chết của nó, bởi nhiều dữ liệu khẳng định Betelgeuse đã quá già và đang ở thời kỳ hấp hối.
Nếu quái vật Betelgeuse khổng lồ này nổ, người Trái Đất chắc chắn sẽ nhìn thấy ánh sáng rực rỡ đó, ngay cả ban ngày. Tuy nhiên ngôi sao vẫn đủ xa để chúng ta không phải hứng chịu bất kỳ tác động nào từ vụ nổ.
Bình luận (0)