Ảnh minh hoạ vùng bóng tối (Umbra) và nửa tối (Penumbra) tạo bởi bóng trái đất và thời điểm
diễn ra nguyệt thực nửa tối (theo quỹ đạo 1). Ảnh: crab0.astr.nthu.edu.tw.
Lý Hoàng Phúc, thành viên Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TPHCM - cho biết nguyệt thực nửa tối bắt đầu lúc 19 giờ 14 ngày 28-11 theo giờ Hà Nội.
Người quan sát sẽ thấy một phần mặt trăng bắt đầu mờ dần. Trăng vào vùng bóng mờ nhiều nhất lúc 21 giờ 34, lúc này nguyệt thực nửa tối đạt cực đại. Hiện tượng sẽ kết thúc lúc 23 giờ 51, khi trăng hoàn toàn ra khỏi vùng nửa tối.
"Việt Nam nằm trong vùng quan sát trọn vẹn hiện tượng trên", anh Phúc nói. Cùng với Việt Nam, phần lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương và Alaska có thể quan sát nguyệt thực nửa tối.
Khác với nguyệt thực toàn phần hay một phần, bề mặt của mặt trăng sẽ tối sẫm toàn bộ hay một phần, nguyệt thực nửa tối khó nhận biết hơn vì trăng chỉ tối hơn một chút so với các ngày rằm thông thường. Thay vì sáng rõ, trăng sẽ có màu nhạt hơn giống như bị một lớp mây mỏng che phủ.
Nguyệt thực nửa tối diễn ra khi trăng đi vào vùng nửa tối (Penumbra) tạo ra bởi trái đất. Còn nguyệt thực toàn phần hay một phần là khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của hành tinh chúng ta.
Khu vực quan sát được hiện tượng nửa tối trên thế giới. Dòng chữ đỏ từ trái sang phải: nguyệt thực lúc trăng lên, vùng không quan sát được,
nguyệt thực lúc trăng mọc, toàn bộ nguyệt thực nhìn thấy được. Ảnh: NASA.
Bình luận (0)