Theo Live Science, những sinh vật quái dị được ướp xác là khỉ đầu chó, có thể được tôn vinh bởi chúng là hiện thân của vị thần khát máu ở thế giới ngầm Babi, hoặc thần cai quản Mặt Trăng Thoth.
Xác ướp quái dị của một con khỉ đầu chó ở Ai Cập - Ảnh: Patrick Ageneau
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà linh trưởng học Nathaniel Dominy từ Đại học Dartmouth (Mỹ) ban đầu đã sử dụng các xác ướp có từ thời kỳ Tân Vương quốc của Ai Cập (năm 1500-1070 trước Công nguyên), trích xuất các phân tử để tìm hiểu chế độ ăn nhằm hiểu chúng đến từ đâu.
Bởi lẽ, các sinh vật quái dị được ướp xác như người này được cho là đến từ "vương quốc đã mất" Punt, vốn được đề cập trong các tài liệu cổ đại của Ai Cập nhưng chưa bao giờ được xác định trên bản đồ.
Nghiên cứu ban đầu này đã tiết lộ chúng đến từ một khu vực bao gồm Somalia, Eritrea và Ethiopia ngày nay. Manh mối về Punt dần hiện lên.
Mới đây, nhóm nghiên cứu tiếp tục thu hẹp phạm vi bằng bằng chứng DNA từ các xác ướp "mới" hơn, niên đại từ năm 800-540 trước Công nguyên.
Sau đó, họ so sánh DNA đó với DNA của 14 con khỉ đầu cho thế kỷ XIX-XX đã biết nguồn gốc. Chỉ một mẫu duy nhất đã tiết lộ điều thú vị: Nó có mối quan hệ gần gũi nhất với các quần thể ở vùng ven biển Eritrea ngày nay.
Nhờ đó, họ tin tưởng rằng Vương quốc Punt trong truyền thuyết không những có thật mà còn tọa lạc ngay thành phố cảng Adulis cổ xưa, nổi tiếng của Ai Cập, chỉ là khác nhau về mặt thời gian.
Phát hiện này cũng đẩy lùi bằng chứng đầu tiên về hoạt động giao thương ở khu vực Adulis cổ đại ít nhất vài thế kỷ, vì Punt tồn tại trước thành phố cảng.
Khỉ đầu chó không phải động vật bản địa ở Ai Cập nhưng đã được bán đến đây do người Ai Cập cổ đại quan tâm chúng, có thể đã nuôi chúng như các con vật cưng, nhiều con được ướp xác.
Chính hoạt động buôn bán này đã để lại những bằng chứng giá trị về các tuyến đường giao thương cổ đại trong khu vực.
Bình luận (0)