Theo nhà cổ sinh vật học Adam Marsh từ Công viên Quốc gia Petrified Forest (Arizona, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, sinh vật bí ẩn có kích thước bằng một con kỳ nhông và các đốt xương sống, đỉnh hộp sọ, một số xương vai và xương trước đã được bảo tồn hoàn hảo.
Cận cảnh hóa thạch lộ ra trên vách đá - Ảnh: Adam Marsh
Nơi hóa thạch được tìm thấy là Công viên Quốc gia Canyonlands ở Utah (Mỹ), trong một hẻm núi. Quá trình xói mòn tự nhiên đã làm lộ ra hóa thạch trên một vách đá và các nhà cổ sinh vật học đã cố gắng thu thập nó nhanh chóng trước khi tự nhiên kịp phá hoại nốt phần còn lại. Khối đá chứa hóa thạch được bóc tách khỏi vách đá và sẽ được quét CT để phân tích bởi việc nỗ lực tách riêng phần xương có thể làm hóa thạch hư hại ít nhiều.
Theo Daily Mail, kết quả phân tích sơ bộ của nhóm nghiên cứu cho thấy sinh vật bí ẩn đã 290 triệu tuổi, thuộc kỷ Permi. Nó có thể là một trong những loài bò sát sơ khai nhất của Trái Đất từng được khai quật và gần như chắc chắn là một loài hoàn toàn mới.
Khối đá chứa hóa thạch được đục ra khỏi vách đá, bọc thạch cao và chuyển về phòng thí nghiệm, kèm chú thích bằng hình hài hước của các nhà cổ sinh vật học - Ảnh: Adam Marsh
Sinh vật lạ là một báu vật thật sự bởi hóa thạch kỷ Permi rất hiếm hoi. Vào cuối kỷ này (252 triệu năm về trước), một cuộc đại tuyệt chủng đã giết chết 97% sinh vật hiện hữu trên Trái Đất thời đó. Vì vậy biết được về một loài mới có hình thái tương đồng nhiều loài sau này là một phát hiện hiếm có.
Chưa rõ nó có họ hàng như thế nào với các bò sát và cả khủng long sơ khai của kỷ Tam Điệp sau đó, nhưng khả năng lớn đây là loài tổ tiên của một trong những gia đình bò sát tồn tại được qua đại tuyệt chủng và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Bình luận (0)