Chìa khóa của công nghệ này nằm ở đá ultramafic trong khu vực, một loại đá mắc-ma hạt thô vốn nằm sâu 40 km dưới lòng đất. Tại một số nơi trên thế giới, đá ultramafic trồi lên mặt đất và khi tiếp xúc với CO2, nó sẽ chuyển thành một loại khoáng carbon. "Chúng tôi đi theo tiến trình tự nhiên này nhưng tăng tốc nó thêm khoảng 100.000 lần bằng công nghệ của mình. Thay vì mất hàng chục năm ngoài tự nhiên, chúng tôi rút gọn còn nhiều tháng" - giám đốc điều hành (CEO) của 44.01 là ông Talal Hasan giải thích với kênh Channel NewsAsia (CNA) bên lề hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) mới đây.
Rõ ràng ý tưởng biến phát thải có hại thành những khoáng vật vô hại rất hứa hẹn và nếu chứng minh được hiệu quả, các công ty có thừa cơ hội thu lợi. CO2 chiếm tới 76% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và góp tới 2/3 tổng lượng nhiệt vào khí quyển trái đất - theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ. Mục tiêu của ông Hasan cực kỳ tham vọng: Loại bỏ hàng gigaton CO2. "Một gigaton là một tỉ tấn CO2, tương đương toàn bộ phát thải của ngành hàng không thế giới" - ông Hasan so sánh.
Theo ông Mr Hasan, công nghệ của 44.01 không phải công nghệ CCS (thu giữ và lưu trữ carbon, đang gây lo ngại trong giới chuyên môn) mà là công nghệ CCM (thu giữ và khoáng hóa CO2), đã được chứng nhận độ "xanh" bằng giải thưởng môi trường Earthshot Prize năm 2022 (Earthshot Prize do Hoàng gia Anh khởi xướng). Đây cũng là dự án CCM đầu tiên ở Trung Đông được một công ty năng lượng ứng dụng. Hợp đồng giữa 44.01và Công ty Dầu quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), một trong những công ty dầu khí ngoài khơi lớn nhất thế giới, nằm trong cam kết loại bỏ carbon trị giá 15 tỉ USD của ADNOC.
Cùng tham vọng như 44.01 nhưng nhiều công ty khởi nghiệp khác chọn cách tiếp cận CDR, tức khử carbon bằng cách loại bỏ CO2. Chẳng hạn, công ty Phần Lan CarboCulture phát minh công nghệ có tên Carbolysis để chiết xuất carbon từ sinh khối, sau đó xử lý thành than sinh học dưới dạng hạt nhỏ, có thể dùng để bón đất, giữ nước hoặc dùng trong lĩnh vực năng lượng. CarboCulture khẳng định mỗi tấn than sinh học của họ "giam" được hơn 3 tấn CO2 lấy từ khí quyển.
Bình luận (0)