"Thực sự tớ không biết con bé bị bệnh gì mà gần đây nó hay làm thế lắm", chị Quỳnh than thở với cô bạn thân, sau khi lôi xềnh xệch con gái vào phòng ngủ, mắng cho một trận rồi nhốt trong đó.
Chị Quỳnh (Lạc Long Quân, Hà Nội) kể, từ cách đây một tháng chị phát hiện con hay dùng tay nghịch vùng kín hoặc cọ vào các vật cứng trong nhà. Ban đầu, chị nhắc nhở con "làm thế là xấu lắm", cô bé hồn nhiên bảo "không xấu đâu mẹ, đẹp mà, thích mà". Sau đó, nói con không nghe, chị đánh vào tay bé rồi cấm con không được làm như thế nhưng tình trạng vẫn tiếp tục. Thậm chí, cô bé mới học lớp chồi còn thực hiện việc này thường xuyên hơn, bất kể lúc nào, ngay cả khi nhà đang đông người. "Mình vô cùng hoảng sợ, cảm thấy bất lực, có lẽ phải đưa con đi chữa trị mới mong khỏi được bệnh này", chị Quỳnh bày tỏ.
Cũng rơi vào hoàn cảnh này, chị Khánh Trâm (Mai Động, Hà Nội) cảm thấy vô cùng lo lắng khi không biết làm thế nào để cô con gái 4 tuổi của mình cai việc sờ mó vào bộ phận sinh dục .
"Trước con bé làm thế còn tưởng hay ho lắm nên khoe mẹ. Tôi mắng, thậm chí đánh vào tay nhưng nó cũng chưa chừa, còn trốn vào chăn để thực hiện", chị Trâm kể.
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, nguyên chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam cho biết, hiện tượng trẻ tự kích thích bộ phận sinh dục lặp lại nhiều lần không có gì lạ và không phải bệnh. Thông thường, hiện tượng này hay gặp ở trẻ tuổi dậy thì, cả nam và nữ, khi các hoóc môn sinh dục phát triển nhanh. Về mặt sinh lý cơ thể, từ 3 đến 5 tuổi, hoóc môn sinh dục của trẻ đã bắt đầu có bước khởi phát. Trong các hoạt động thường ngày, khi được người lớn vệ sinh, trẻ có thể khám phá ra cảm giác thích thú khi đụng chạm tới vùng kín và sau đó tiếp tục thực hiện việc này.
Ảnh minh họa: Kidsconsultant.com.
Theo bác sĩ, phụ huynh không nên quá lo lắng khi thấy con có các hành vi này bởi đó là sự phát triển hoàn toàn bình thường nếu nó không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác. "Một số trẻ bị tự kỷ dạng nhẹ thường có hưng phấn đòi hỏi về tình dục cao hơn trẻ khác. Tuy nhiên, số này hiếm và nếu có sẽ kèm các dấu hiệu tự kỷ đặc trưng khác", bà nói.
Theo giáo sư Thu Nhạn, thông thường hiện tượng "thủ dâm" này chỉ diễn ra trong một thời gian rồi tự thoái lui và không ảnh hưởng tới sự phát triển, tâm sinh lý của trẻ. Nhiều năm trước, bà đã gặp một bé gái khi ấy gần 5 tuổi là mối lo của gia đình khi em thường xuyên nghịch bộ phận sinh dục. Bé gái ấy nay đã 20 tuổi, là một thiếu nữ hoàn toàn bình thường.
"Điều quan trọng là bố mẹ cần có cách ứng xử khéo léo. Không nên quát mắng, kết tội con là hư, xấu xa, tuyệt đối không đánh trẻ. Hãy thủ thỉ tâm tình, lắng nghe lý do rồi nói chuyện nhẹ nhàng, có thể bảo con không nên làm thế vì có thể gây đau, mất vệ sinh, đừng bày tỏ sự quá sốt sắng", bà Nhạn chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho rằng, hành vi tự kích thích vùng kín để có cảm giác vui thích ở trẻ em không phải là sự thủ dâm, thôi thúc về tình dục như người lớn, mà chỉ là một trò chơi, sự khám phá bản thân. Theo ông, trẻ từ sơ sinh tới 2 tuổi thường có khoái cảm ở miệng và thích khám phá mọi thứ xung quanh bằng miệng, từ hành động bú, mút (ti mẹ, núm bình sữa) tới việc mút ngón tay, cắn đồ hay cho bất cứ thứ gì vào mồm. Từ 3 đến 4 tuổi, trẻ lại chuyển cách khám phá bằng các bộ phận khác trên cơ thể, trong đó có thể là bộ phận sinh dục , hậu môn, với các hành động như cố tình tè dầm, nhịn đại tiện, kể cả sờ mó khu vực này. Lớn hơn nữa, trẻ tập trung vào khám phá những khái niệm trừu tượng hơn, ngoài bản thân mình, vào học tập, mối quan hệ bạn bè...
Nhà tâm lý cho rằng, bản thân hành vi đụng chạm cơ quan sinh dục của trẻ thường không có hại gì nhưng là tín hiệu cảnh báo với phụ huynh rằng con đang có những vấn đề nhất định, như trẻ thiếu sự quan tâm, cần người chơi cùng, bị lo lắng, căng thẳng... Bởi vậy, ngay khi thấy con có hành động này, bố mẹ cần quan tâm hơn đến con, quan sát và tìm hiểu để có thể giải mã được chính xác nguyên nhân, từ đó mới có cách khắc phục hiệu quả.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn khuyên hãy để ý xem con bắt đầu hành vi này từ lúc nào, cách thức bé làm việc đó, thời gian thực hiện. Có phải con hay làm thế khi rảnh rỗi, xem TV nhiều, lúc bố mẹ quá bận rộn, không có ai chơi cùng trẻ... ? Trẻ thường thích gì làm nấy, không quan tâm nhiều tới các lý do khác. Vì thế, hãy kéo con ra khỏi các hành vi không mong muốn bằng cách hướng sự chú ý của trẻ vào các việc khác tạo hứng thú cho bé, chẳng hạn như vui chơi ngoài trời, đọc truyện, vẽ tranh cùng mẹ...
Ông cho rằng, với những cách trên, thường chỉ một thời gian ngắn là trẻ có thể quên đi hành vi này. Ngược lại, khi bố mẹ có phản ứng không phù hợp như đánh, mắng, cấm đoán... trẻ có thể càng tò mò, thực hiện nhiều hơn, trốn vào chỗ kín để làm một cách giấu giếm, hay cố tình phơi bày việc đó khi nhà có đông người nếu trẻ "bắt bài" biết bố mẹ xấu hổ, sợ hãi hay tỏ ra sốt sắng, chú ý đến con khi chúng làm thế.
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Bình luận (0)