Theo nhiều doanh nhân, người trẻ khởi nghiệp tuy không có kinh nghiệm nhưng lại dễ, vì nếu sai thì có thể làm lại. Còn khi khởi nghiệp ở tuổi xế chiều, sau lưng là cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhìn vào, áp lực tăng gấp bội.
Nhiều rào cản
Bà Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam, là gương mặt quen thuộc trong ngành quảng cáo. Sau 20 năm "lăn lộn" trong ngành này, bà quyết định lập nghiệp với nghề kinh doanh các sản phẩm nước ion kiềm, nước hydrogen cao cấp.
Khi đó, trên thị trường đã có quá nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Bà Thủy quyết định chọn phân khúc riêng là sản xuất theo công nghệ điện phân tiên tiến 100% từ Nhật Bản, sản phẩm là nước ion kiềm cao cấp và có độ pH 9+ giúp chống lão hóa, hỗ trợ đường ruột, ngăn ngừa bệnh tật. Sản phẩm nước của Fujiwa chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn thị trường nên thời gian đầu, bà Thủy không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, trong 2 năm dịch COVID-19, sản phẩm không bán được, công ty rơi vào khủng hoảng, sắp phá sản.
"Kỳ tích đã đến khi một đối tác lớn tới tìm hiểu, quyết định ký hợp đồng trị giá 42 tỉ đồng sau 3 ngày đàm phán. Đó là bước ngoặt giúp Fujiwa thành công, đứng vững đến ngày nay" - bà Thủy nhớ lại.
Bà Võ Thị Lấn, người sáng lập kiêm Giám đốc Trà Tâm Lan, thì không được gia đình, con cháu ủng hộ quyết định khởi nghiệp ở tuổi 60. Cả 10 người con của bà đều cho rằng ở tuổi hưu, bà chỉ nên nghỉ ngơi, vui vầy bên gia đình. Khởi nghiệp vừa vất vả vừa không địch được các đối thủ vì họ rành công nghệ, đầu tư nhiều vào dây chuyền sản xuất hiện đại.
Tuy nhiên, với mong muốn mang đến những sản phẩm trà giúp người già ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ, bà Lấn vẫn triển khai dự án. Thời gian đầu, bà tự mang sản phẩm đi chào hàng. Bị nhiều nhà thuốc từ chối, bà vẫn không nản. Cuối cùng, bà cũng được một nhà thuốc "thương tình" lấy 20 hộp. Sản phẩm tốt, nhà thuốc tiếp tục lấy thêm 100 hộp và nhiều hơn, bà có "đầu ra" cho sản phẩm. Con cháu từ đó mới tin tưởng, còn giúp bà xây dựng công ty.
Do chưa quen với việc cạnh tranh trên thị trường, ban đầu, Công ty Trà Tâm Lan gặp khủng hoảng truyền thông vì bị cho là bán hàng giả, kém chất lượng. "Cây ngay không sợ chết đứng", bà Lấn cùng các con gỡ rối bằng cách mời báo chí đến chia sẻ, công bố thông tin. Nhờ đó, bà vượt qua được khó khăn, dần lấy lại niềm tin với khách hàng.
Để phát triển thương hiệu, bà Lấn đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng nhà máy chuẩn GMP và ISO 22000: 2018 trên mảnh đất rộng 2 ha. Mọi khâu đều được tự động hóa, khép kín. Sản phẩm của công ty trở nên chuyên nghiệp hơn, có thể xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc và cả Mỹ, Pháp.
"Niềm tự hào lớn nhất là ở tuổi nghỉ hưu, tôi vẫn có thể làm được điều có ích cho cộng đồng, xã hội và người tiêu dùng" - bà Lấn bộc bạch.
"Không có đường lui"
Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch Hệ sinh thái AB Lê Thành - có hai dạng khởi nghiệp. Đó là khởi nghiệp khi còn trẻ, mới ra trường và khởi nghiệp sau một thời gian đi làm, đã tích lũy số vốn, kinh nghiệm nhất định.
Khởi nghiệp khi trẻ, chưa có kinh nghiệm thì không bị quá nhiều áp lực, vừa làm vừa học hỏi, thất bại thì làm lại. Còn khởi nghiệp khi đã có kinh nghiệm và độ tuổi nhất định thì sẽ áp lực hơn bởi khi đó không có đường lui, nếu thất bại thì gia đình, đồng nghiệp, họ hàng sẽ "coi thường".
Ông Đỗ Hữu Thanh - Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty may Sư Tử Vàng - đã khởi nghiệp với số vốn 14 triệu đồng vay mượn được và khoản nợ 100 lượng vàng. "Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm marketing, nắm bắt xu thế quảng cáo của Google, tháng đầu tiên, tôi kiếm được 30 triệu đồng. Tháng sau, doanh thu tăng lên gấp đôi. Đến năm thứ hai, đơn hàng nhiều, tôi mạnh dạn mở nhà xưởng. Đến năm thứ 4 thì tôi trả dứt nợ" - ông Thanh kể.
Tuy vậy, theo ông Thanh, không phải ai cũng may mắn thành công khi khởi nghiệp bởi 10 người làm thì 8 người "đổ". Muốn thành công thì phải thật sự quyết tâm, bền chí. Người khởi nghiệp phải có uy tín thì mới được khách hàng, đối tác tin tưởng. "Ngày nay, nếu vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì việc khởi nghiệp sẽ nhanh và tiết kiệm chi phí rất nhiều" - ông Thanh nhìn nhận.
Mới đây, trao đổi với sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ông Lê Hữu Nghĩa đã kể lại hành trình gầy dựng hệ sinh thái AB Lê Thành với số vốn 10 triệu đồng có được từ tiền đi dạy thêm thời sinh viên. Ông tiết lộ AB Lê Thành từng đứng trên bờ vực phá sản, phải cắt giảm 50% nhân sự khi chỉ sau 1 đêm bị ngân hàng "đóng băng", âm 100 tỉ đồng, có dự án lỗ 10 triệu USD. Nhờ nỗ lực, AB Lê Thành đã được vực dậy để tiếp tục phát triển.
"Nên đi làm thuê ít nhất 5 năm để tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi hãy nghĩ đến việc khởi nghiệp. Đừng "ngựa non háu đá" khi chưa có gì trong tay" - ông Nghĩa nhắn nhủ.
Bình luận (0)