Với kinh nghiệm làm nhãn sấy hơn 30 năm của gia đình, bà Nguyễn Thị Mỵ (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu tham gia phong trào phụ nữ khởi nghiệp khi tuổi gần 60. Bà cho biết khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án không phải là tuổi tác mà là đầu ra, vì giá sản phẩm cao hơn cách làm cũ đến 50%.
Rào cản tiếp cận thị trường
Bà Mỵ hiện là Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Hồng Nam (Hưng Yên), chuyên các sản phẩm sấy từ sen và nhãn. Bà tiết lộ HTX đã đầu tư quy trình sản xuất khép kín, sấy lạnh với chi phí 1 tỉ đồng - số tiền rất lớn đối với một nông dân như bà và các xã viên.
"Trước đây, sau một mùa sấy nhãn, người làm nghề rất mệt vì khói bụi do sấy bằng than, còn sản phẩm đầu ra thì không được kiểm soát chặt. Trong khi đó, theo quy trình mới, nhãn được chọn từ vườn trồng có tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt); nguyên liệu đầu vào, thành phẩm đầu ra được kiểm nghiệm; công nhân sản xuất có đồ bảo hộ trong phòng kín, không chịu tác động bởi các yếu tố ô nhiễm..." - bà Mỵ so sánh.
Theo bà Mỵ, HTX Hồng Nam vừa ra sản phẩm mới trong mùa đầu tiên, sản lượng ít và giá cao hơn sản phẩm truyền thống 50% nên việc bán hàng còn gặp khó khăn. Trong tương lai, nếu sản lượng tăng, giá bán sản phẩm có thể giảm. Ngoài ra, năm 2025-2026, HTX có kế hoạch đón khách du lịch nhằm có thêm nguồn thu cũng như để khách hàng hiểu được quy trình sản phẩm và chấp nhận mua giá cao hơn.
Trong khi đó, Công ty TNHH Yam Kitchen (Cusami) - chuyên sản xuất các loại thực phẩm tiện lợi từ khoai mì Củ Chi (TP HCM) chế biến thành những món quen thuộc, thường sử dụng nguyên liệu từ lúa mì như các loại bánh, pizza… - hướng vào phân khúc khách hàng ăn kiêng giảm cân và kiêng gluten từ lúa mì.
Theo anh Mai Tuấn Anh, người sáng lập kiêm giám đốc Cusami, sản phẩm hoàn toàn mới là một rào cản khi tiếp cận thị trường. Vì vậy, công ty phải nỗ lực chế biến sản phẩm ngon hơn để khách hàng sử dụng thường xuyên.
Anh Tuấn Anh cho biết Cusami đang định hướng nông dân canh tác khoai mì theo tiêu chuẩn Mỹ để có nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Bởi lẽ, thị trường sản phẩm kiêng gluten lên đến 8 tỉ USD, tập trung chủ yếu ở người phương Tây.
Hy sinh lợi nhuận ban đầu
Sau gần 2 năm khởi nghiệp ở mảng tái chế với các sản phẩm từ nguyên liệu trước đây bỏ đi là bã cà phê, anh Nguyễn Tấn Lộc, người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tái chế Cà phê Lộc Nhân (TP HCM), rút ra bài học: Để tăng sức cạnh tranh, giá bán phải thấp hơn 5%-10% so với sản phẩm thông thường.
Công ty của anh Lộc đang tập trung sản xuất các chế phẩm tẩy rửa, khử mùi từ bã cà phê, nhắm đến những nơi sử dụng số lượng nhiều như: bệnh viện, trường học, trạm dừng chân…
"Khi gửi sản phẩm dùng thử, đa số khách hàng đều khen sử dụng tốt, khử được mùi khó chịu và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn khó thay đổi trong thời gian ngắn. Khi hết nước tẩy rửa, lau sàn, nhiều người lại đến siêu thị mua theo thói quen" - anh băn khoăn.
Quan sát cộng đồng khởi nghiệp xanh, anh Lộc nhận thấy rất nhiều sản phẩm đưa ra giá bán cao nên rất khó tiếp cận người tiêu dùng hoặc chỉ phục vụ được một ngách rất nhỏ. Nhiều dự án chuyển hướng sang xuất khẩu trước, bởi khách hàng nước ngoài vốn chấp nhận giá cao hơn và đã có thói quen về tiêu dùng xanh.
"Giá sản phẩm cao thường do chi phí đầu vào cao, từ nguyên liệu thân thiện môi trường đến quy mô sản xuất nhỏ. Điều quan trọng là phải tính toán mức giá sản phẩm hợp lý để người tiêu dùng có thể sử dụng thường xuyên, công ty mới có dòng tiền tái đầu tư, thay vì cách tính phổ biến hiện nay là chi phí sản xuất cộng tiền lãi để ra giá bán" - anh Lộc gợi ý.
Nhiều dự án khởi nghiệp xanh đã có sáng kiến mang lại lợi ích kép, vừa giảm phát thải vừa giảm giá sản phẩm. Đó là mô hình refill (nạp lại) - khách hàng mang chai lọ cũ để đựng sản phẩm mới tại cửa hàng.
Chẳng hạn, Công ty TNHH FUWA Biotech - chuyên sản xuất sản phẩm tẩy rửa sinh học từ vỏ dứa bằng công nghệ enzyme - đã triển khai khoảng 20 trạm refill trên cả nước. Khi khách hàng "nạp lại", giá sản phẩm giảm hơn 30% so với mua can mới.
Bình luận (0)