Ông Nguyễn Văn Khỏe (ngụ Đồng Nai) đã nổi tiếng gần chục năm trước với việc sáng chế và thương mại hóa thành công máy sấy nhiệt mặt trời - từng tham gia Shark Tank mùa 2 để gọi vốn. Gần đây, ông xuất hiện trở lại trong một số cuộc thi về khởi nghiệp cùng kế hoạch mở thêm công ty chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị bẫy muỗi do chính mình sáng chế.
Bẫy muỗi bằng... nước sạch
Dù đã 60 tuổi, có một gia đình hạnh phúc, sở hữu 4 bằng sáng chế và 2 công ty ăn nên làm ra nhưng ông Khỏe vẫn không nghỉ ngơi mà tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, ở lần start-up này, ông không còn đặt nặng chuyện được - mất của bản thân hay mục tiêu tài chính mà muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
"Sản phẩm lần này là thiết bị bẫy muỗi không dùng điện, không dùng hóa chất mà chỉ dùng nước sạch để dụ muỗi đẻ rồi "nhốt" trứng, lăng quăng trong bẫy, không cho thoát ra ngoài" - ông Khỏe giới thiệu ngắn gọn.
Thiết bị này từng đoạt giải ba cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ông Khỏe đã mất 1 năm nghiên cứu, 6 năm để được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sáng chế cho ý tưởng bẫy diệt muỗi này.
Bẫy muỗi hình trục tròn, kích thước 12 x 15 cm, gồm thân bình và phễu chứa trứng muỗi. Trong phễu có thêm nón, ngăn lăng quăng bơi ngược ra ngoài.
Ông Khỏe thông tin: "Đặc tính của muỗi là chỉ đẻ trứng trong nước sạch. Khi muỗi đẻ trứng vào trong bình có chứa nước, mất 15 ngày để trứng nở thành lăng quăng và mất thêm 2 tuần để phát triển thành muỗi. Trung bình 7 ngày, muỗi sẽ chết trong bình vì không có thức ăn do không thể thoát ra được. Thiết kế bẫy có thêm 12 lỗ khí để cung cấp ô xy trong bình, từ đó giúp trứng có thể nở".
Theo ông Khỏe, người ta không thể quan sát được trứng muỗi bằng mắt thường nhưng có thể thấy rõ xác muỗi chết trong bình nên càng tin tưởng về hiệu quả của thiết bị. Theo tính toán ban đầu, mỗi chiếc bẫy diệt muỗi Mosla khi bán ra thị trường có giá trên dưới 100.000 đồng.
Trong quá trình triển khai dùng thử sản phẩm, ông Khỏe nhận được nhiều phản hồi về mức giá mong muốn của khách hàng. Ông quyết định bằng mọi cách kéo giá thành sản xuất xuống thấp hơn để có được giá bán dưới 100.000 đồng/chiếc. "Mục tiêu của dự án là loại trừ sốt xuất huyết khỏi cộng đồng, mục tiêu gần là TP HCM và cả nước trong 3 năm tới không còn dịch sốt xuất huyết" - ông Khỏe bộc bạch.
Đóng góp trước, thu lợi sau
Giải thích lý do không bán sáng chế mà tìm đơn vị gia công sản xuất, thử nghiệm để trực tiếp khai thác thương mại sản phẩm từ sáng chế này, ông Khỏe cho biết khao khát của ông lúc này là có thể thương mại hóa thành công sản phẩm, qua đó đóng góp một cách thiết thực, hữu ích cho cộng đồng, xã hội.
"Ê-kíp đã thử nghiệm hàng trăm lần nhằm cải tiến dần những nhược điểm của sản phẩm để ra được bản thương mại. Có thể nói đây là sản phẩm xanh vì dùng nguyên liệu từ nhựa tái chế, trong quá trình sử dụng không tiêu tốn nhiên liệu hay phát thải chất ô nhiễm ra môi trường. Ngoài ra, độ bền sản phẩm rất lâu, nếu không bị vỡ thì có thể sử dụng gần như vĩnh viễn" - ông Khỏe tự tin.
Nói thêm về lần khởi nghiệp này, ông Khỏe khẳng định dự án sản xuất thiết bị bẫy muỗi không nhằm tìm kiếm lợi nhuận, song nếu được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu, chắc hẳn sẽ có lợi nhuận khá.
"Tôi đã tiêu tốn khá nhiều tiền để ra được các sáng chế và biến các ý tưởng, sáng chế thành sản phẩm thương mại. Cho đến giờ, có những công trình lỗ tiền tỉ nhưng đó là điều bình thường. Bởi lẽ, nếu không bắt tay làm thì sẽ không biết được là mình đúng hay sai và sẽ không bao giờ "về đích" - nhà sáng chế bày tỏ.
Từ trải nghiệm của bản thân, ông Khỏe cho rằng các bạn trẻ khởi nghiệp hãy tạo ra giá trị cho cộng đồng trước khi nghĩ đến tiền. "Tiền rất quan trọng nhưng cứ cho đi trước, tạo ra giá trị cho cộng đồng rồi tiền chắc chắn sẽ đến. Còn nếu chỉ chăm chăm vào kiếm tiền thì đồng tiền không bền vững" - ông Khỏe nhắn nhủ.
Tận dụng công cụ truyền thông
Ông Khỏe cho hay ngoài lần tham gia Shark Tank là đang thật sự cần vốn để triển khai dự án, những lần thi thố sau này ông đều nhằm mục đích truyền thông cho dự án, sản phẩm.
"Tôi tham gia các cuộc thi không phải để tô hồng bản thân mà nhằm tận dụng cơ hội truyền thông, quảng bá từ các cuộc thi. Thực tế, dù sản phẩm có tốt đến đâu nhưng truyền thông không mạnh, không ai biết đến nó thì sẽ không tạo được sự bùng nổ, không mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, rất lãng phí" - ông Khỏe nhìn nhận.
Bình luận (0)