Đánh giá thị trường giặt ủi, vệ sinh cao cấp tại Việt Nam rất tiềm năng - trị giá 296 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 10%-30%, tùy dịch vụ - anh Lê Phước Phúc, CEO và là đồng sáng lập Heramo, đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi trong nước. Start-up này cũng đang chủ động tiếp cận thị trường Philippines và Úc để mang thương hiệu giặt ủi vệ sinh của Việt Nam vươn ra thế giới.
Số hóa ngành dịch vụ truyền thống
Tiếp chúng tôi nhân lễ khai trương chi nhánh nhượng quyền trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM, anh Lê Phước Phúc cho biết cơ sở này ra đời đã nâng tổng số cửa hàng của Heramo lên 12 - dẫn đầu về quy mô thị trường giặt ủi, vệ sinh cao cấp tại thành phố. Đây cũng là cửa hàng Heramo thứ 7 được khai trương trong vòng 2 tháng qua theo hình thức nhượng quyền.
Mục tiêu của Heramo là đến hết năm 2024 sẽ có 20 cửa hàng tại TP HCM và 55 cửa hàng trên cả nước, trong đó cơ sở nhượng quyền chiếm 80%. Số lượng cửa hàng như vậy chưa phải là nhiều đối với ngành dịch vụ được đánh giá có quy mô hàng trăm triệu USD này nhưng phù hợp với một doanh nghiệp khởi nghiệp vừa qua giai đoạn tạo đà để bước vào thời kỳ tăng tốc.
Năm 2017, một lần tình cờ anh Phúc bắt gặp hình ảnh một người mẹ cùng đứa con nhỏ loay hoay trước tiệm giặt sấy, lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe cùng bao áo quần vừa được giặt sạch. Với câu hỏi "mình có thể làm được gì để mang đến sự tiện lợi cho mọi người khi cần giặt đồ?", anh bắt tay khảo sát thị trường, nhu cầu khách hàng và thành lập doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát 200 khách hàng mục tiêu ở TP HCM cho thấy 30% thường xuyên sử dụng dịch vụ giặt ủi; 50% dùng dịch vụ ngoài cho đồ khó giặt như quần áo vest, đầm, chăn, mền, gối, drap, giày... Một bộ phận không nhỏ khách hàng sẵn sàng trả phí nhiều hơn để được hưởng dịch vụ tốt hơn kèm việc hỗ trợ giao nhận hàng.
Heramo được thành lập với quyết tâm số hóa ngành giặt ủi, vệ sinh để mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. "6 năm qua, Heramo đã tiếp nhận khoảng 200.000 đơn hàng, vệ sinh hơn 400.000 món đồ cho hơn 60.000 khách hàng tại TP HCM. Heramo đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về giặt hấp, vệ sinh giày, vệ sinh nhà cửa…" - anh Phúc tự hào.
CEO Heramo cho rằng giặt ủi, vệ sinh là dịch vụ lâu đời, gắn với nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đến nay, lĩnh vực này vẫn còn manh mún, tự phát; quá trình vận hành thủ công, thiếu chuyên nghiệp từ chất lượng xử lý đến dịch vụ, dẫn đến khách hàng gặp rất nhiều bất tiện khi sử dụng.
"Lĩnh vực này tưởng dễ mà khó. Lợi thế của Heramo là xây dựng được hệ sinh thái dịch vụ, từ khâu tư vấn đến nhận đơn hàng, xử lý, thu hồi sản phẩm đã làm sạch và trao trả cho khách hàng. Các khâu đều được chuyên nghiệp hóa để kiểm soát tối đa những rủi ro hư hỏng, thất lạc sản phẩm của khách. Để được như vậy là cả một quá trình và những bài học kinh nghiệm trong thời gian đầu vận hành dịch vụ" - anh Phúc nhớ lại.
Anh Lê Phước Phúc giới thiệu về công ty và mô hình nhượng quyền tại một buổi hội thảo ở TP HCM
Đưa công nghệ vào ngành giặt ủi
CEO Lê Phước Phúc tự tin rằng Heramo sẽ thành công nhờ có nền tảng vững chắc. Bản thân anh có 15 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số; chị Huỳnh Nhật Phương, đồng sáng lập Heramo, thì giàu kinh nghiệm quản lý trong ngành dịch vụ khách hàng cao cấp.
Ngay từ đầu, với mục tiêu xây dựng dịch vụ đa trải nghiệm, đa tiện ích, Heramo đã ứng dụng công nghệ 4.0. Khách hàng có thể đặt tất cả dịch vụ giặt ủi, vệ sinh thông qua app hoặc điện thoại, chọn giao nhận tận nơi hoặc mang ra hệ thống cửa hàng. Heramo quản lý từng món đồ theo mã code, lưu trữ thông tin trên dữ liệu đám mây cùng hệ thống kho bãi trang bị camera giám sát, giao hàng tận nơi nhằm tối ưu tiện ích… Đây là những điểm khác biệt của Heramo so với các cửa hàng giặt ủi truyền thống.
Anh Phúc cho biết: "Lúc mới bắt đầu, thị trường còn mới, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để giải thích vì sao phí vệ sinh 1 đôi giày thể thao có thương hiệu lên đến 90.000 đồng, dù đã "free ship" toàn thành phố. Giờ cũng là đôi giày đó, phí vệ sinh đã lên 120.000 đồng nhưng khách hàng vẫn chấp nhận, không ai thắc mắc".
Theo anh Phúc, ngành này phức tạp về mặt vận hành. Sản phẩm cần vệ sinh, giặt hấp, giặt rửa… có rất nhiều loại với chất liệu khác nhau, yêu cầu xử lý cũng khác nên nếu không có kinh nghiệm sẽ dẫn đến hư hỏng. Heramo đã phải trả giá rất nhiều trong những ngày đầu khởi nghiệp để rút ra được bài học hoàn thiện công nghệ, quy trình và con người vận hành dịch vụ.
"Chúng tôi học từ những sự cố và những lỗi sai, không ngừng xây dựng, cải tiến hệ thống công nghệ, quy trình dịch vụ. Quan trọng nhất là việc ứng dụng công nghệ giúp theo dõi mọi thao tác trong quy trình vận hành, giảm thiểu tối đa rủi ro và kiểm soát chặt chẽ chất lượng xử lý - một vấn đề sống còn trong ngành giặt ủi, vệ sinh" - nhà đồng sáng lập Heramo tâm đắc.
Nhượng quyền giá rẻ
Năm 2021, vượt qua hơn 2.000 dự án tiềm năng, Heramo đã được cộng đồng khởi nghiệp và các chuyên gia công nhận lọt vào top 3 Start-up Wheel, cuộc thi khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Cuộc thi này cũng đã tạo tiền đề cho Heramo hợp tác cùng chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân (một trong những giám khảo) xây dựng và đóng gói mô hình nhượng công nghệ tinh gọn. Cửa hàng nhượng quyền có số vốn ban đầu tổng cộng chỉ từ 230 triệu đồng, có thể nói thấp nhất tại Việt Nam ở hình thức đầu tư nhượng quyền công nghệ, có thể hòa vốn trong vòng 12 tháng, lợi nhuận hằng năm từ 250 triệu đồng trở lên.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, đây là mô hình nhượng quyền phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và biến động. Bởi lẽ, mô hình không đòi hỏi diện tích lớn, nhiều nhân viên mà quản lý bằng công nghệ, điểm hòa vốn nhanh...
Bình luận (0)