Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chị Nguyễn Thị Minh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận, tự hào cho biết chuẩn bị lắp thêm 1 máy sấy mới, nâng tổng số máy sấy của xưởng lên 5 để chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm.
Bỏ phố về quê khởi nghiệp
"Tết năm rồi, đơn hàng dồn dập, công ty sản xuất không kịp nên bị một số khách giận. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi sẽ chuẩn bị sớm và kỹ hơn" - chị Minh Thy bộc bạch.
Công ty Bắc Mỹ Thuận với thương hiệu BAMOFOOD đang được biết đến là một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp các sản phẩm trái cây sấy "mộc" (không đường, không phẩm màu, không hóa chất bảo quản). Sản phẩm sau khi ra lò giữ được hương vị đặc trưng truyền thống.
Thương hiệu BAMOFOOD ra đời năm 2017 là một ngả rẽ tình cờ với chị Minh Thy. Trước đó, chị bận rộn với việc vận hành quán cà phê sân vườn ở TP HCM và công ty sản xuất nấm linh chi ở quê nhà Tiền Giang. Chị cho biết vùng đất Cái Bè trù phú, nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản, nhất là xoài cát Hòa Lộc ngon trứ danh. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây phải loay hoay với bài toán tiêu thụ, những năm được mùa phải bán rẻ cho thương lái hoặc bỏ cho trái rụng đầy vườn trong khi người dân xứ khác không có cơ hội thưởng thức loại trái cây đặc sản này.
"Một lần về quê, thấy xoài cát chín rụng nhiều, tôi nhớ đến những món trái cây phơi khô ngày trước bà nội thường làm nên gọt sấy thử. Tôi biếu bà con, bạn bè ăn, ai cũng đều khen ngon. Khi nhiều người hỏi mua, vậy là tôi bắt đầu sản xuất nhiều hơn, rao bán thêm trên Facebook, Zalo..." - chị Minh Thy nhớ lại những ngày đầu làm trái cây sấy.
Sau xoài, chị Minh Thy thử nghiệm sấy chuối xiêm, mãng cầu, dứa (thơm)... và đều được thị trường đón nhận. Nhận thấy tiềm năng lớn từ mảng sản xuất này, chị ngừng hết mọi hoạt động kinh doanh trước đó, dồn vốn liếng cho trái cây sấy dẻo.
Đến nay, công ty của chị Minh Thy đã phát triển 8 loại trái cây sấy dẻo, như: xoài cát Hòa Lộc, chuối xiêm, dứa, ổi, cóc, thanh long... Một sản phẩm khác cũng khá thành công là gừng sấy mật ong. Một số sản phẩm như xoài, chuối, dứa sấy đã đạt chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao, có mặt tại các trạm dừng chân, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Liên Khương, các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee… và trong bộ sản phẩm quà tặng sức khỏe của nhiều DN.
Chị Nguyễn Thị Minh Thy tự hào giới thiệu các sản phẩm trái cây sấy thương hiệu BAMOFOOD
Định vị phân khúc cao cấp
Tự nhận mình là tay ngang bước vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm sấy khi đã 42 tuổi, chị Minh Thy gần như phải bắt đầu từ con số 0 với rất nhiều khó khăn mà nếu không có đam mê sẽ không thể nào làm được.
Chẳng hạn, với trái xoài thì khó từ khâu ủ trái. Nếu ủ chưa đủ độ chín thì thành phẩm sẽ bị bột, chua; nếu ủ chín quá thì sẽ bị sẫm màu. Rồi kỹ thuật sấy sao cho đồng nhất về màu sắc, chất lượng sản phẩm, hàng sản xuất ra phải tiêu thụ hết trong vài tháng vì không thể bảo quản lâu...
CEO Công ty Bắc Mỹ Thuận tiết lộ bí quyết thơm ngon và cũng là điểm khác biệt của các sản phẩm trái cây sấy BAMOFOOD đến từ chất lượng và kỹ thuật sấy. "Kỹ thuật sấy được tích lũy qua kinh nghiệm sản xuất và quá trình nghiên cứu, học hỏi, thử nghiệm, chấp nhận trả "học phí" từ những mẻ hàng hư, phải đổ bỏ. Còn về chất lượng, công ty không sử dụng hàng dạt mà phải là hàng ngon, được tuyển chọn kỹ càng trước khi đưa vào sản xuất. Mà hàng tuyển chọn thì giá không thể rẻ" - chị cho hay.
Hiện nay, các sản phẩm của Công ty Bắc Mỹ Thuận bán ra thị trường với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg. Riêng xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo có giá 600.000 đồng/kg. "Mỗi sản phẩm có một thị trường, đối tượng khách hàng khác nhau. Sản phẩm của công ty ngon, đúng chất lượng, mẫu mã đẹp nên không cạnh tranh với hàng sản xuất đại trà mà xác định phân khúc khách hàng cao cấp, sành ăn" - chị Minh Thy tự tin.
Do sản phẩm làm từ các loại trái cây đặc sản miền Nam nên chủ yếu công ty "đánh" vào thị trường miền Trung, miền Bắc và rất được ưa chuộng. Gần đây nhất, công ty mang 100 hộp xoài, 100 hộp gừng sấy dẻo cùng một số sản phẩm khác ra tham gia hội chợ ở Hà Nội. "Hội chợ 4 ngày nhưng chỉ mới 2,5 ngày, chúng tôi đã hết hàng. Sau đó, nhiều khách hàng điện thoại đặt mua và công ty mở được đại lý ở Hà Nội, nâng tổng số đại lý trên cả nước lên 80" - chị Minh Thy khoe.
Với năng lực hiện tại, trung bình mỗi tháng Công ty Bắc Mỹ Thuận sản xuất khoảng 3-4 tấn thành phẩm, tương đương khoảng 30-40 tấn trái cây tươi. Sau Tết Nguyên đán, lượng hàng sản xuất đã tăng gần gấp đôi. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng khu vực sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị để tăng công suất.
Không vì cái lợi trước mắt
Qua kênh kiều bào, các loại trái cây sấy này đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan... Một số nhà mua hàng liên hệ, đặt vấn đề mua số lượng lớn nhưng công ty từ chối.
"Sản phẩm sấy dẻo là còn độ ẩm nên dễ bị ôxy hóa dẫn đến sậm màu và hạn sử dụng chỉ trong 6 tháng. Họ yêu cầu sử dụng phụ gia để giữ màu, tăng thời gian bảo quản nhưng tôi kiên quyết từ chối. Công ty thà sản xuất nhỏ, phát triển chậm nhưng bảo đảm được đầu ra cho nông sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động và cung cấp thực phẩm sạch cho khách hàng, chứ không vì cái lợi trước mắt mà "nói một đằng làm một nẻo" - chị Minh Thy tâm huyết.
Bình luận (0)