Sau quá trình phát triển, Quảng trường Sông Phố - nằm ở giao lộ của 2 tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và 30 Tháng 4 - đã có nhiều thay đổi. Hiện tỉnh Ðồng Nai đang thực hiện chỉnh trang, khôi phục lại hình ảnh Quảng trường Sông Phố để phát huy công năng, giá trị, tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa.
Trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án hiệu chỉnh cục bộ điểm giao thông trọng yếu tạo không gian phát triển và hình thành nút giao điểm nhấn tại khu vực Quảng trường Sông Phố. Cụ thể, có 2 phương án được đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện. Phương án 1: Sẽ bố trí 2 đảo quay xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám và 1 đảo giao thông tại khu vực nút giao kết hợp khuôn viên cảnh quan và công trình biểu tượng, cột đồng hồ… Phương án 2: Sẽ bố trí đảo giao thông kết hợp khuôn viên cảnh quan và công trình biểu tượng, cột đồng hồ… tạo điểm nhấn tại khu vực nút giao.

Ðơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án ý tưởng công viên ven sông Ðồng Nai tại khu vực trung tâm TP Biên Hòa (sau khi khu vực UBND tỉnh di dời ra trung tâm hành chính - chính trị mới) với các định hướng chính, như tạo lập các chức năng quảng trường, cây xanh, giao thông công cộng (đường thủy, đường bộ), thương mại - dịch vụ, du lịch, công trình văn hóa - nghệ thuật...
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ðồng Nai, đánh giá cao ý tưởng chỉnh trang Quảng trường Sông Phố nhằm phục hồi địa danh lịch sử quan trọng này, đồng thời tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. Theo ông Hà, ý tưởng công viên ven sông Ðồng Nai cũng là ý tưởng khả thi bởi khu vực này có nhiều trụ sở, cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước với diện tích đất công lớn có thể triển khai thực hiện.
Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Ðồng Nai, Quảng trường Sông Phố đã đi vào lịch sử xứ Biên Hòa từ những ngày sôi động khi quần chúng nổi dậy giành chính quyền mùa thu năm 1945. Năm 1991, di tích Quảng trường Sông Phố đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Tại Quảng trường Sông Phố có công trình đài phun nước là một tác phẩm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Ðồng Nai sáng tạo; 3 bức tượng cá chép hóa rồng tại đài phun nước trông rất đẹp mắt qua các tia nước được phun lên cũng được xem là dấu ấn của nghề gốm Biên Hòa vốn nổi tiếng xưa nay.
Bình luận (0)