Những ngày đầu tháng 4, đường lên đỉnh Bàn Cờ (bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng) như khoác lên mình tấm áo mới. Sắc tím dịu dàng của hoa sim nở rộ hai bên đường đi, mang theo ký ức về một thời rừng sim bạt ngàn gắn bó với người dân địa phương.
Thực vậy, từng có những đồi sim tự nhiên trải dài trên núi Sơn Trà, nhưng theo thời gian, sắc tím thân thuộc ấy dần thưa vắng. Nhận thấy giá trị văn hóa lẫn cảnh quan thiên nhiên đang dần mai một, từ năm 2019, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã khởi xướng kế hoạch phục hồi rừng sim tự nhiên.

Hoa sim khoe sắc hai bên đường lên đỉnh Bàn Cờ, là một trong những nét đặc sắc tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
Trên tổng diện tích 0,4 ha, những gốc sim đầu tiên được vun trồng. Đến năm 2020, thêm hơn 0,2ha đường sim được cải tạo, kéo dài gần 1 km dọc tuyến đường lên đỉnh tại Tiểu khu 62, khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Sau bốn năm chăm sóc tỉ mỉ, đường hoa sim nay đã sinh trưởng tốt, bung nở những chùm hoa tím đẹp mắt. Trong những bụi sim, gió đồi làm rung rinh cây lá. Hoa tím biếc như bừng nở, khẽ khàng chao nghiêng dưới nắng khiến ai cũng phải nán lại, check-in bên con đường hoa sim này.
Hoa sim nở rợp trên các cung đường ở bán đảo Sơn Trà
Không dừng lại ở việc trồng mới, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tiếp tục phân công cán bộ kiểm lâm, vận động cộng đồng và các cộng tác viên môi trường cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng sim, đảm bảo quy trình kỹ thuật đạt chuẩn.
Chia sẻ với PV, ông Trương Đức Binh – một cán bộ có hơn 40 năm tuổi nghề của Hạt Kiểm lâm liên quận cho hay việc trồng sim không chỉ nhằm tạo nên không gian cảnh quan hài hòa, mà còn góp phần duy trì nguồn thức ăn cho các loài động vật hoang dã như khỉ và "voọc chà vá chân nâu" – loài sinh vật đặc hữu của bán đảo Sơn Trà. "Chúng tôi trồng cây nhưng không mong sẽ lấy được quả. Đàn khỉ trên núi tinh lắm, mỗi khi sim chín, chúng tụ tập rồi lựa ăn những trái thật chín mọng", ông Binh nói.
Trước đó, từ năm 2015, lãnh đạo thành phố đã ghi nhận đề xuất của người dân về ý tưởng hình thành "con đường hoa sim" dựa trên hiện trạng khu vực rừng sim tự nhiên có sẵn. Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp trồng bổ sung và triển khai thí điểm tại đoạn đường dài khoảng 300 m thuộc Tiểu khu 63 (đồi 530) trên bán đảo Sơn Trà.

Sắc tím nổi bật giữa những tán lá non làm nên nét đặc trưng rất riêng của loài hoa dại nơi chốn núi rừng



Trên những triền đồi ở bán đảo Sơn Trà, đâu đâu cũng bắt gặp một màu tím rợp, như trải thảm cho cả một vùng núi rừng mênh mông

Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây sim

Một quả đồi rộng khoảng 0,15ha được Hạt kiểm lâm liên quận chọn làm nơi trồng sim tím

Trên khô cằn đá núi, cây sim vẫn phát triển tốt



Ngoài lực lượng kiểm lâm, nhiều đơn vị khác cũng trồng phục hồi sim tím tại bán đảo Sơn Trà
Hiện nay, ngoài Hạt kiểm lâm liên quận, tại Sơn Trà cũng có nhiều diện tích trồng sim do các đơn vị khác thực hiện như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng.
Các công trình nhỏ này góp phần thiết thực vào chương trình trồng "Một tỉ cây xanh" trên địa bàn TP Đà Nẵng, theo khuôn khổ Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phục hồi rừng sim tự nhiên không chỉ giúp tái hiện vẻ đẹp vốn có của núi rừng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái địa phương.
Sự kết hợp giữa mục tiêu thẩm mỹ và bảo tồn thiên nhiên đã tạo nên sức hút đặc biệt, vừa làm phong phú thêm hệ sinh thái, vừa mang lại trải nghiệm rất riêng, rất "Sơn Trà" cho người dân, du khách.
Ngày nay, mỗi mùa sim nở, khu vực rừng sim tự nhiên trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Giữa không gian trong lành của núi rừng Sơn Trà, sắc tím của hoa sim như lời mời gọi, níu chân du khách, mang đến những trải nghiệm nên thơ cũng như là điểm "check-in" độc đáo giữa lòng thành phố biển.
Bình luận (0)