Ngày 9-1, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bộ Y tế cho biết trong năm 2024, ngành y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 6,22%). Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần.
Các lực lượng Công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).
Theo Bộ Y tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng ghi nhận trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân có đổi mới.
Dù có nhiều cố gắng, nhưng lãnh đạo Chính phủ lưu ý số lượng các vụ vi phạm an toàn thực phẩm gia tăng. Số người mắc còn lớn. Một số việc đã có trong kế hoạch nhưng thực hiện còn chậm.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm thì xử lý nghiêm.
Theo ông, công tác phối hợp thực hiện liên ngành là quan trọng, cần tập trung vào khâu này. Phó Thủ tướng nêu rõ, không phải chỉ một cơ quan thực hiện mà cả hệ thống, trong đó có các cơ quan chủ lực.
Công tác tuyên truyền phải toàn diện hơn, đặc biệt là về chế tài và xử phạt để mang tính răn đe.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tập trung xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi và sửa Nghị định số 15 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó, hướng vào những điều, nội dung cơ bản, như vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm…
Về tăng chế tài xử phạt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan.
Ngoài ra, yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai tốt các công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bình luận (0)