Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có thông báo gửi đến UBND TP Thủ Đức, các quận - huyện, các Ban Quản lý dự án khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Tây Bắc, Khu Công nghệ cao... về việc không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thi công đối với các đơn vị chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở GTVT.
Theo danh sách, có 169 nhà thầu bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2020 - 2023 nhưng chưa chấp hành đóng phạt.
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm không bố trí người điều tiết giao thông tại nơi thi công có đường hẹp; không dọn dẹp vật liệu sau khi thi công; thi công khi giấy phép hết hạn hoặc không bảo đảm thời gian trong giấy phép được cơ quan chức năng phê duyệt.
Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn, bị xử phạt 3 lần vào tháng 6-2023 với tổng số tiền 255 triệu đồng nhưng hiện chưa nộp.
Kế đến, Công ty CP Xây dựng Môi Trường Sạch và liên danh công ty này với Công ty Xuân Tân Thành có tới 25 lần bị xử phạt với tổng số tiền 157,7 triệu đồng. Đứng thứ 3 là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước bị phạt 11 lần với tổng số tiền 149 triệu đồng...
Được biết, hiện một số nhà thầu trong danh sách trên vẫn thi công một số công trình, dự án trên địa bàn TP HCM.
Đơn cử như nhà thầu Anh Vinh (chưa nộp phạt 132 triệu đồng cho 17 lần vi phạm) tham gia nhiều gói thầu nhưng chậm trễ, trong đó dự án chống ngập đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) do thi công chậm trễ nên chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng.
Đại diện Sở GTVT cho biết việc gửi thông báo nhằm tăng ý thức chấp hành pháp luật khi thi công cũng như bảo đảm quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, nhận định việc Sở GTVT TP HCM gửi thông báo đến các địa phương, các ban quản lý... nhằm cảnh báo, ngăn chặn việc cấp giấy phép thi công với các nhà thầu chưa đóng phạt là hợp lý và cần thiết.
"Bởi khi thi công công trình, nhà thầu phải tuân thủ quy định về thi công. Khi vi phạm nếu bị cơ quan chức năng lập biên bản thì nhà thầu phải chấp hành. Nếu không chấp hành quy định xử phạt, cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng" - luật sư Chung nói.
Bình luận (0)