Trong một phân tích mới, nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte từ Đại học Edinburgh (Anh) đã phản bác một quan điểm được nhiều người đưa ra về sự tuyệt chủng của khủng long. Và điều đó cũng liên quan đến số phận loài người chúng ta.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Nếu khủng long không bị tuyệt chủng vì tiểu hành tinh Chicxulub, điều gì sẽ xảy ra?

Hình ảnh thể hiện một con khủng long chân thú và một số con dực long hoảng loạn sau thảm họa thiên thạch - Ảnh đồ họa: NATIONAL GEOGRAPHIC
Chicxulub là một tiểu hành tinh đã giáng xuống Trái Đất 66 triệu năm trước, vẫn còn để lại một chiếc hố khổng lồ nằm vắt vẻo từ bán đảo Yucatan của Mexico, trải rộng xuống đại dương.
Sự kiện này được cho là đã gây nên chuỗi xáo trộn khí hậu toàn cầu, dẫn đến sự chấm dứt của kỷ nguyên khủng long.
Đã có giả thuyết cho rằng nếu Chicxulub không tấn công Trái Đất, khủng long vẫn tuyệt chủng bởi đã đạt đến giới hạn về sự tiến hóa. Nhưng GS Brusatte không đồng ý.
Dựa trên một loạt hóa thạch khủng long được tìm thấy trên khắp thế giới, GS Brusatte nhận định: "Có vẻ rất rõ ràng rằng khủng long tiến hoá rất mạnh mẽ và đa dạng khi tiểu hành tinh va vào".
Nhưng liệu khủng long có thể sống trong điều kiện giá lạnh, chẳng hạn như kỷ băng hà không? Ngoại trừ một số loài khủng long sống trong khí hậu tuyết, phần lớn thì không.
Nhưng theo GS Brusatte, một số loài khủng long có thể đã sống tốt trong điều kiện khắc nghiệt mới.
Nói với Live Sciece, nhà cổ sinh vật học Anh này chỉ ra nhiều loài khủng long có lông vũ hoàn toàn có khả năng thích nghi tốt như động vật có vú.
Ngoài ra, một số loài hung dữ - bao gồm khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex (T-rex) , có thể là loài máu nóng, nghĩa là không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi khí hậu.
Cũng có khả năng là khủng long đã tiến hóa các biện pháp phòng vệ mới chống lại cái lạnh trong thời tiết khắc nghiệt.
Ví dụ như ma mút đã bắt đầu xuất hiện khoảng 5 triệu năm trước ở Nam Phi và đến khoảng 800.000 năm trước, trong thời kỳ băng hà cuối cùng, một số loài ma mút đã mọc lông để mở rộng phạm vi sinh sống trên thảo nguyên Âu Á.
Trong một thí nghiệm tư duy năm 1982, nhà cổ sinh vật học người Mỹ gốc Canada Dale Russell tự hỏi liệu khủng long troodontid có thể tiến hóa thành loài thông minh hơn nếu không bị tuyệt chủng hay không.
Troodontid là "điểu long răng khía", một nhóm khủng long chân thú bắt đầu mang đặc điểm của chim. Vào cuối kỷ Phấn Trắng, chúng đã có bộ não lớn và thị giác lập thể, "ngón tay" đối diện và đi bằng 2 chân.
Theo mô hình này, nếu còn sống đến tận ngày nay, điểu long răng khía hoàn toàn có khả năng tiến hóa thành một loài tạm gọi là "khủng long người", với các chỉ số não hóa tương tự như Homo sapiens, tức loài người tinh khôn chúng ta.
Qua nhiều năm, các nhà cổ sinh vật học đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng điểu long không thể bắt đầu một dòng dõi giống linh trưởng tiến hóa đến mức thông minh như con người.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây về loài chim hiện đại cho thấy khủng long có thể khá thông minh, theo GS Brusatte. Chim vốn tiến hóa trực tiếp từ dòng họ quái vật này nên thường được gọi là "khủng long hiện đại".
"Trên thực tế, chúng có nhiều nơ-ron thần kinh trong não hơn mức trung bình của động vật có vú. Liệu một ngày nào đó chim có thể đạt được nhận thức giống như con người không? Tôi không biết" - ông nói.
Ngoài ra, có một vấn đề lớn khác: Nếu không có Chicxulub bẻ gãy sự tiến hóa của sự sống Trái Đất, có khả năng động vật có vú nói chung không có cơ hội trỗi dậy, chiếm lĩnh các hốc sinh thái mà khủng long tuyệt chủng bỏ lại.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội xuất hiện - hoặc may mắn hơn là cơ hội tiến hóa đến mức như ngày nay - của chính chúng ta sẽ bị giảm đáng kể.
Bình luận (0)