Sau đêm Giáng sinh nhộn nhịp, khắp các nẻo đường TP Hà Nội ngập trong rác khiến lao công miệt mài quét dọn đến gần sáng. Không riêng đô thị này, báo chí phản ánh nhiều nơi trong cả nước cũng thế - việc xả rác bừa bãi thậm chí diễn ra mọi lúc, bất cứ đâu.
Tôi từng chứng kiến cả khi thùng rác nằm ngay bên cạnh, nhiều người vẫn thản nhiên vứt bịch nước, hộp đồ ăn tại chỗ. Họ không đếm xỉa nỗ lực thu gom của nhân viên vệ sinh, mặc những lời ta thán về tình trạng xả rác vì cứ coi là chuyện của ai đó, không phải của mình.
Câu hỏi đặt ra là chuyện xả rác tùy tiện có lạ không, mới mẻ gì không? Trả lời ngay là không. Chính vì quan niệm rất sai rằng người này xả được thì người khác cũng xả được… riết rồi không mấy ai thấy cần đấu tranh trước tình trạng xả rác tràn lan trên phố nữa.
Có một nghịch lý, nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống luôn sạch sẽ và văn minh, rồi kêu gọi ý thức, chỉ trích hành vi của người khác nhưng bản thân cũng xả rác. "Tiện tay thì vứt luôn rác xuống đất" đã trở thành thói quen xấu từ nhiều năm nay.
Chúng ta sẽ dạy con trẻ điều gì trước những cách hành xử đó? Thói quen nào sẽ hình thành ở trẻ nếu chúng thấy người lớn vô tư xả rác ngoài đường? Người lớn chính là ví dụ sinh động, là tấm gương mà những đứa trẻ nhìn vào và làm theo, hãy là những tấm gương sáng.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, từng người dân phải nâng cao nhận thức, có ý thức giữ gìn vệ sinh ở bất cứ đâu hơn nữa. Phải suy nghĩ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường mà việc thiết thực, trực tiếp, cần làm ngay là cách ứng xử với rác.
Bình luận (0)