Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2017 của HĐND TP HCM về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải.
Báo cáo cho biết Nghị quyết 03 đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay, thành phố Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu. Hai quận chưa hoàn thành là quận Tân Phú (đạt 98,72%) và quận 5 (85,14%).
Trong đó, 2.618/2.653 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia chuyển đổi mô hình. Hiện còn 35 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố có 204 công ty tư nhân thu gom rác. 36 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác và 1 Liên hiệp hợp tác xã.
Sở Tài nguyên - Môi trường nêu một số khó khăn và vướng mắc khiến chậm đạt chỉ tiêu. Theo đó, các hộ vệ sinh dân lập lo ngại khi chuyển đổi mô hình hoạt động phải thực hiện thêm các quy định. Cụ thể là báo cáo thuế, báo cáo thống kê, chế độ bảo hiểm cho người lao động...
Bên cạnh đó, mức phạt tiền hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần so với cá nhân. Hơn nữa, do địa bàn thu gom nhỏ nên chưa chuyển đổi mô hình hoạt động.
Ngoài ra, lực lượng thu gom rác dân lập mang tính tự phát và sang nhượng qua nhiều đời chủ. Vì vậy, lực lượng này được hiểu ngầm thuộc quyền sở hữu của chủ đường dây rác.
Đa số người thu gom rác là người từ nơi khác đến và trình độ học vấn không cao. Do vậy, vận động lực lượng này gia nhập vào tổ chức có tư cách pháp nhân khó khăn.
Luật Hợp tác xã số 17/2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Vì vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ nghiên cứu tham mưu nội dung các chính sách hỗ trợ.
Bình luận (0)