Một phó bí thư huyện ủy ở Đồng Nai vừa bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Vi phạm của bà bị đánh giá là tạo dư luận xấu, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín tổ chức.
Như vậy, sau lần bị nhóm tội phạm chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng, đây là "sự cố" thứ 2 đối với cán bộ này. Một lần nhẹ dạ và một lần chủ động tính toán để giấu giếm.
Ở "sự cố" thứ 2, nhìn rộng ra, không ít người có hành vi tương tự. Đơn cử, hồi tháng 9 năm ngoái, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra có 54 cán bộ bị xử lý bởi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Điều đó cho thấy vẫn còn không ít cá nhân vì những lý do "khó nói" mà sẵn sàng khuất tất.
Công tác chuẩn hóa cả đức, tài, tinh thần gương mẫu, tính tự giác... trong cán bộ nhiều năm nay luôn được thực hiện. Vì thế, xảy ra hiện tượng như trên là điều đáng tiếc.
Để góp phần tối ưu công tác này, các động thái bốc thăm ngẫu nhiên nhằm xác minh tài sản, "mua tin", lập kênh tiếp nhận phản ánh tiêu cực... của một số cơ quan, đơn vị, địa phương gần đây nên được tính toán để áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, thực hiện tốt, khách quan, nghiêm túc những cách ấy là vấn đề hết sức quan trọng.
Bình luận (0)