Ngày 8-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức.
Đóng góp quan trọng
Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.
Cụ thể: góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%; ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối cơ bản ổn định; đưa mặt bằng lãi suất giảm về mức lãi suất trước dịch COVID-19, giảm khoảng hơn 2% so cuối năm 2022. Hết năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,5% - thấp hơn không đáng kể so mức 14,18% của năm 2022. Cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng.
VNĐ là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới. Năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,9%; an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra...
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong năm 2024, tập trung trao đổi về những vấn đề trọng tâm như điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, ngoại hối để bảo đảm hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát; vấn đề chuyển đổi số...
Giám sát chặt chẽ
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, cho rằng năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành chậm là do nhiều nguyên nhân từ cả phía doanh nghiệp (DN) và do cả tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, khó tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Bình, năm 2024 dự báo sẽ vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến khó lường. Với cơ chế tín dụng được đổi mới, mức tăng trưởng tín dụng được giao cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm, NHNN và toàn bộ ngành ngân hàng quyết tâm đẩy mạnh tín dụng lành mạnh, tăng trưởng hiệu quả cho nền kinh tế.
Ông Ramachandran As đến từ Ngân hàng Citibank Việt Nam, đại diện cho Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài, cho rằng kết quả năm 2023 của ngành ngân hàng là một nỗ lực và thành tựu quan trọng trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu. Sự giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời của NHNN đã giúp nền kinh tế ổn định, bảo đảm ổn định giá tiêu dùng. Ông cho biết hướng tới năm 2024, Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới. Đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ và NHNN tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, tác động lan tỏa, liên quan mật thiết tới tâm lý người dân và các vấn đề xã hội.
Thủ tướng nêu rõ NHNN đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá. Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng - cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với DN và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng công tác thanh tra, giám sát.
Không để bị động, bất ngờ
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng yêu cầu NHNN và toàn ngành ngân hàng cần bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
"Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ; không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của ngân hàng; không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng; làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra" - Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý cần điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, bảo đảm cái này thúc đẩy cái kia.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần kiện toàn bộ máy và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo tinh thần phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, "chữa bệnh phải dứt việc, để người bệnh khỏe mạnh mới thôi", xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2024.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2024 và thời gian tới là rất cao, rất khó khăn nhưng Thủ tướng tin tưởng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2024, ngành ngân hàng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, điều hành tỉ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Phấn đấu năm 2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Ông PHẠM ĐỨC ẤN, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank:
Đẩy mạnh chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng
Để hỗ trợ tăng trưởng năm 2024, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng, mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khóa, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường… Từ đó, thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ DN duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành với các tổ chức tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ DN nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng.
Kiến nghị NHNN sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ DN. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các DN áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.
PGS-TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Đại học Kinh tế TP HCM:
Sử dụng thêm công cụ thị trường
Năm 2024, NHNN đã thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng 15% cả năm cho các NH thương mại, thay vì giao từng lần như những năm trước. Mặt tích cực là các NH thương mại có thể chủ động giải ngân tín dụng theo nhu cầu của khách hàng và mục tiêu kinh doanh của mình, nhưng ở chiều ngược lại sẽ là bài toán phải kiểm soát dòng vốn đúng mục đích, chảy vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh… Một điểm quan trọng khác là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thời điểm hiện tại vẫn còn yếu, nên nếu đẩy vốn một lúc ra quá nhiều có khả thi?
Theo tôi, bài toán lúc này là cơ quan quản lý có thể điều hành qua những công cụ mang tính thị trường hơn, bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cụ thể là nghiệp vụ thị trường mở; lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn; tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Chính sách tiền tệ chỉ nên tập trung vào mục tiêu lạm phát, còn nhà nước đẩy mạnh hơn nữa chính sách tài khoán, thị trường vốn.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)