TP HCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là cầu nối đưa nông sản, thủy sản của ĐBSCL đến các thị trường trong và ngoài nước.
Ngược lại, ĐBSCL - với tiềm năng nông nghiệp, thủy sản và du lịch đặc sắc - là nguồn cung ứng lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP HCM.
Thời gian qua, mối liên kết TP HCM - ĐBSCL đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, có sức lan tỏa. Chẳng hạn, các tuyến đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng các cầu Mỹ Thuận, Mỹ Thuận 2, Cần Thơ, Vàm Cống... không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn giúp tăng năng lực cạnh tranh của nông sản, thủy sản ĐBSCL.
Hợp tác liên vùng trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực... đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Các doanh nghiệp TP HCM và ĐBSCL tìm kiếm được nhiều cơ hội đầu tư - kinh doanh, phát huy lợi thế, qua đó tạo không gian phát triển mới, huy động và sử dụng các nguồn lực mới hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một số thỏa thuận liên kết còn chung chung, dàn trải, mang tính hình thức, nặng cam kết, chưa có cơ chế vận hành thường xuyên và phối hợp thực chất. Một số liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa, phân công lao động theo chuỗi giá trị hay phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ.
TP HCM và ĐBSCL còn thiếu một thiết chế điều phối đủ mạnh để hài hòa lợi ích và định hướng phát triển chung. Thể chế liên kết vùng còn không ít tồn tại, hạn chế khi vai trò của các chủ thể còn mờ nhạt, cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực thực tế và hiệu quả cao nhất...
Để giải quyết hạn chế trên và nâng tầm mối liên kết TP HCM - ĐBSCL, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, hạ tầng giao thông cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ với các tuyến đường cao tốc mới, song song với việc hiện đại hóa hệ thống cảng biển. Bên cạnh đó, cần thiết lập một thiết chế điều phối liên vùng, có cơ chế hoạt động hiệu quả; tránh tình trạng nhiều cam kết nhưng "mạnh ai nấy làm".
Không gian liên kết vùng cần được tạo dựng thành một không gian phát triển mới có tính gắn kết, liền mạch hơn, phát huy đổi mới sáng tạo và huy động hiệu quả các nguồn lực. Quy hoạch phát triển giữa TP HCM và ĐBSCL cần được tích hợp, tập trung vào các ngành có lợi thế như: công nghiệp sáng tạo mang tính dẫn dắt của TP HCM; nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và kinh tế biển của ĐBSCL.
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và công nghệ, cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm cả hai khu vực có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển. TP HCM cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ ĐBSCL trong kết nối thị trường và chuyển giao công nghệ, từ đó thúc đẩy toàn vùng phát triển đồng đều.
Liên kết TP HCM - ĐBSCL không chỉ mang lại lợi ích riêng lẻ cho từng địa phương mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững liên vùng, đưa khu vực phía Nam trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước trong giai đoạn mới.
Bình luận (0)