Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội gần đây cho biết phương án tăng lương hưu chia thành 3 nhóm đối tượng.
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1-7-2024...
Nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1-7-2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường. Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn.
Việc phân chia nhóm này rõ ràng là chính sách đang có sự chú ý hơn đối với những người lương hưu thấp. Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc tăng lương áp dụng chung một tỉ lệ cho mọi đối tượng dẫn đến những người lương hưu thấp được tăng rất ít, còn những người lương hưu cao được tăng rất nhiều. Các chuyên gia cũng đã đưa ra đề xuất tăng lương hưu nên tập trung cho nhóm đối tượng đang hưởng lương hưu thấp.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 6-2023 có khoảng 1,9 triệu người, chiếm 70% tổng số người hưởng lương hưu cả nước, hưởng lương hưu từ 3-7 triệu đồng/tháng. Có nghĩa là có hơn 800.000 người đang hưởng lương hưu từ trên 7 triệu đồng.
Một chủ doanh nghiệp FDI tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) đề xuất những người đang hưởng lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng thì tạm thời không tăng trong 5 năm tới (đến 2030). "Theo tôi, với những người lương hưu cao thì không nên tăng, vì tăng lương hưu là chính sách an sinh xã hội của nhà nước đối với những người yếu thế. Trong khi ngân sách có hạn, số người lương hưu thấp, chưa tăng lương đã sợ tăng giá, lại chiếm phần lớn, việc ưu tiên an sinh cho họ cần thiết hơn" - vị giám đốc này đề xuất.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước) có cái nhìn khác. Theo ông Nam, mục đích cuối cùng của lương hưu là chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, chúng ta không nên quá nặng nề theo nguyên tắc "tham gia bảo hiểm xã hội cao bao nhiêu thì sẽ được lương hưu cao như thế đó" mà nên xem quỹ lương hưu là nơi phân phối lại thu nhập của nền kinh tế cho người hết tuổi lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, mức tham gia BHXH đa số là theo mức lương cơ bản, hơn nữa, mức hưởng lương hưu theo tỉ lệ như hiện nay là rất thấp. Do đó, việc tăng lương hưu là việc rất cần thiết để đảm bảo đời sống cho người lao động sau khi về hưu. Tuy nhiên, khi tính toán tăng lương hưu không nên tăng đều theo tính chất cào bằng, cũng không nên chỉ tăng đối với người có lương hưu thấp mà không tính đến người có mức lương cao, như vậy sẽ không đảm bảo công bằng mà nên có giải pháp tăng lương hưu theo các tỉ lệ khác nhau tương ứng với những mức lương khác nhau.
Ông Nam đề xuất người có mức lương hưu thấp sẽ được tăng theo tỉ lệ cao, còn người có mức lương hưu cao thì tỉ lệ tăng sẽ giảm dần, sao cho người có mức lương thấp, là những thành phần khó khăn trong xã hội được cải thiện đáng kể, còn người đã có mức lương cao, là những người có kinh tế khá giả hơn, thì chỉ tăng mức nhỏ.
Bình luận (0)