Bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) là công nhân sản xuất nhựa về hưu được 6 năm. Sau các lần tăng lương hưu, đến nay, mỗi tháng được nhận hơn 3 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 cháu nội.
Để đảm bảo cuộc sống, bà Hoa phải đi làm thêm tại một quán ăn. "Tôi thấy hiện nay, những người về hưu có mức hưởng chênh lệch lớn, người lương cao quá, người rất thấp. Vì thế, theo tôi, Nhà nước chỉ tăng lương hưu cho những người đang có tiền lương thấp, giúp họ cải thiện đời sống và cũng là để thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu giữa những người về hưu" - bà Hoa kiến nghị.
Thực hiện cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1-7-2024 sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở cũng được điều chỉnh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương của người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Do đó, cần tính toán, cân đối hài hòa; lương hưu phải tăng ít nhất là 15%.
Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1-7-2024 tăng khoảng 8%. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa những người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1-7-2024 trở đi.
Những người đang hưởng lương hưu rất mong đợi từ ngày 1-7-2024 sẽ tăng lương hưu 15% mới cải thiện cuộc sống. Và nếu mức tăng lương hưu 15%, những người đang hưởng lương hưu cao sẽ được thêm nhiều tiền.
Ví dụ, ông P.P.N.T. cư trú ở TP HCM đang hưởng mức lương hưu cao nhất cả nước với trên 124 triệu đồng/tháng; nếu tăng lương hưu 15% sẽ được thêm 18,6 triệu đồng. Còn với những người đang hưởng lương hưu thấp thì số tiền tăng lương hưu sẽ rất ít. Nếu tăng lương hưu 15% cho tất cả các đối tượng hưu trí, Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ không đảm bảo.
Vì thế, nhiều người đề nghị Nhà nước chỉ tập trung tăng lương hưu tỉ lệ cao (15%) cho những đối tượng có mức hưởng thấp. Còn những người có mức hưởng cao thì không tăng hoặc tăng tỉ lệ thấp.
Câu chuyện tăng lương hưu cho tất cả những người nghỉ hưu hay chỉ tăng lương hưu cho những người đang có mức hưởng thấp đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Hiện có hai luồng ý kiến, một bên muốn tăng lương hưu cho những người có lương thấp để họ cải thiện cuộc sống, trong khi một bên lại cho rằng như thế không công bằng đối với người có lương hưu cao không được tăng lương, bởi đây là chính sách chung của Nhà nước.
Nhiều năm làm nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết nguyên tắc rất cơ bản của hưu trí là theo quan hệ đóng - hưởng và theo mức cống hiến của người lao động trước đây. Người nào lương cao, đóng bảo hiểm xã hội nhiều tiền thì khi về hưu được hưởng lương hưu cao.
Còn nếu chỉ thực hiện tăng lương hưu tỉ lệ cao cho những người có mức hưởng thấp; và không tăng lương hưu hoặc tăng lương hưu tỉ lệ thấp cho người có mức hưởng cao là bất bình đẳng. Và không phản ánh được công lao đóng góp trong quá khứ của người ta được trọn hưởng suốt cuộc đời.
Do vậy, từ ngày 1-7-2024 vẫn thực hiện tăng lương hưu cho tất cả các đối tượng về hưu cùng một tỉ lệ. Đối với những trường hợp khi đã tăng lương, mức hưởng vẫn thấp dưới chuẩn lương hưu thì Nhà nước áp dụng chính sách tăng thêm đến bằng mức chuẩn lương hưu.
Bình luận (0)