Ngày 23-7, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại một số gói thầu của dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Bài toán mặt bằng, hành lang an toàn lưới điện...
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài toàn tuyến gần 32 km, đi qua 7 địa phương gồm các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Công trình có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng bằng vốn ngân sách này được khởi công cuối tháng 2-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM là chủ đầu tư.
Ghi nhận cho thấy các gói thầu đang thi công khẩn trương. Trên công trường, gói thầu XL-06 (đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương) dài 2,8 km, công nhân của Công ty Công trình giao thông công chánh hối hả thi công hạng mục đường giao thông. Dưới trời nắng, công tác đổ hào kỹ thuật được tiến hành với những thao tác nhanh và gọn.
Tại gói thầu XL-05 (đoạn từ cầu Tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng), không khí nhộn nhịp tương tự. Gói thầu này dài hơn 3 km, đã hoàn tất việc đóng kè bờ kênh... Đại diện chủ đầu tư thông tin sau khi khởi công, các gói thầu đang triển khai theo kế hoạch. Hạng mục xây dựng bờ kè đã đạt 67,6% khối lượng, thi công cọc bê-tông ly tâm đạt 54,1%, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất đạt 52,8%, các hạng mục còn lại như lắp đặt hào kỹ thuật đạt 13%, đặt cống thoát nước đạt 16,9%... Khối lượng toàn dự án đến nay đạt khoảng 35%.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, dự án còn nhiều vướng mắc về ranh, công tác thu hồi mặt bằng, hành lang an toàn lưới điện, xây cầu giao thông...
Để giải quyết các khó khăn nhằm bảo đảm tiến độ, ngày 23-7, lãnh đạo UBND TP HCM đã có cuộc họp với chủ đầu tư. Các kế hoạch triển khai sau cuộc họp được tin tưởng đưa dự án về đích đúng thời gian đã ấn định.
Trong đó, 32 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, nhiều nơi dự án đi qua có các tuyến lưới điện hạ thế, trung thế và các trạm biến áp, cáp viễn thông cần phải được di dời và tái bố trí mới bảo đảm mặt bằng và an toàn thi công.
Ngoài ra, với 15 tuyến lưới điện cao thế cắt ngang và đi dọc phạm vi dự án, các đơn vị quản lý vận hành đã yêu cầu phạm vi an toàn của các tuyến đường dây phải cộng thêm phạm vi đề phòng cho sự cố ngã đổ của thiết bị thi công, do đó dẫn tới việc điều chỉnh thiết kế của từng hạng mục kết nối an toàn dưới đường dây điện cao thế và tăng chi phí xây dựng của từng gói thầu.
Kiến nghị bổ sung 1.570 tỉ đồng
Chủ đầu tư đã đề xuất UBND TP HCM tháo gỡ nhiều khó khăn, trong đó đề xuất được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án làm cơ sở báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, báo cáo UBND TP HCM trình HĐND thành phố thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Theo đó, dự án cần điều chỉnh bổ sung 1.570 tỉ đồng, nâng tổng kinh phí đầu tư lên 9.770 tỉ đồng do quá trình thực hiện phát sinh nhiều hạng mục công trình, bao gồm 507 tỉ đồng xây dựng các hạng mục bổ sung; 256 tỉ đồng chi phí xây dựng phần điều chỉnh; bổ sung chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư với gần 300 tỉ đồng...
Cụ thể, để tăng cường kết nối giao thông cho những khu dân cư dọc 2 bên kênh, các địa phương cùng chủ đầu tư thống nhất đề xuất UBND thành phố thêm một số hạng mục vào dự án như xây dựng cầu Đá Hàn, quận 12; xây dựng cầu giao thông băng ngang kênh tại vị trí cống Hồng Ký; xây dựng 2 cầu đi bộ.
Ngoài ra, xây dựng 75 vị trí lấy nước phòng cháy chữa cháy dọc tuyến kênh; bố trí hệ thống thu gom rác thải trên bờ kênh; xây dựng cửa xả thoát nước đồng bộ với các dự án và lắp đặt cửa van ngăn triều cho các cống hiện trạng; xây dựng đường giao thông tạm tại cống Vàm Thuật, Nước Lên.
Riêng về hạng mục cây xanh, cần bổ sung 256 tỉ đồng theo yêu cầu thiết kế mới với 35 không gian xanh tập trung trên tuyến theo ý tưởng Hành trình Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với các chủ đề quá khứ - hiện tại - tương lai. Một nội dung nữa, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án được đề xuất bổ sung tăng 293,4 tỉ đồng.
Theo vị đại diện, để bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành vào dịp 30-4-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho đơn vị được chủ động phối hợp các đơn vị thi công, tư vấn khẩn trương rà soát, lập lại toàn bộ kế hoạch thi công trên tinh thần tổ chức thi công song song nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành các hạng mục nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình.
"Ngoài ra, được phép thi công các hạng mục phát sinh bổ sung song song với quá trình làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và dự toán" - đại diện chủ đầu tư cho hay.
Xử lý việc xả thải tùy tiện
Hiện nay các nhà thầu thi công 10 gói thầu đang triển khai nhiều hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước. Khi đào mở phạm vi bờ kênh của dự án có rất nhiều hệ thống thoát nước của nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp dọc 2 bờ kênh chưa qua xử lý. Nước có màu đen, mùi hôi... xả thải trực tiếp ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Do đó, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND các quận, huyện và chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, rà soát để yêu cầu các doanh nghiệp đang có đường cống xả thải ra kênh hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra kênh.
Bình luận (0)