Chẳng hạn, dự thảo lần 3 sửa tên "Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo" của dự thảo lần 2 thành "Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo", đồng thời giải thích từ ngữ: Giấy phép hành nghề dạy học là văn bản xác nhận người đủ điều kiện hành nghề dạy học do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Ai nhìn vào cũng thấy lo, bởi thấy ngay bóng dáng cơ chế xin - cho. Có "cấp" thì làm sao tránh được tiêu cực, trục lợi?
Nhiều địa phương, bộ - ngành, trường đại học đề xuất bỏ hẳn "Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo" khỏi dự thảo luật, vì: Giáo viên, giảng viên mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học đã được đào tạo sư phạm; nếu chưa được đào tạo sư phạm thì có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm rồi, nên không cần phải có giấy phép hành nghề. Hoặc vì: Chưa rõ được mục đích của giấy phép này là gì, được cấp giấy phép mới được đi dạy trong khi nếu không đi dạy thì chẳng được cấp phép, thật rắc rối…!
Một số ý kiến trung dung hơn, song vẫn thiên về hướng không ủng hộ: Hiện nay, nhà giáo có hai nguồn là người được đào tạo sư phạm và người học ngành khác, có chứng chỉ sư phạm. Chỉ nên áp dụng giấy phép đối với các đối tượng đào tạo ngành ngoài sư phạm và các đối tượng khác (nhà giáo nước ngoài)… Hoặc: Đối với nhà giáo đang công tác trong trường công lập thì không cần giấy phép hành nghề.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định quyền tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển… giáo viên cho "cơ quan quản lý cấp trên cơ sở giáo dục" cũng không ổn. Hiện nay, các "cơ quan quản lý cấp trên cơ sở giáo dục" gồm có Bộ GD-ĐT (bậc đại học), các sở GD-ĐT (bậc THPT), UBND quận/ huyện và phòng GD-ĐT (bậc THCS, tiểu học, mầm non).
Như bậc đại học đã thực hiện tự chủ tài chính rồi thì việc tuyển người hãy để hội đồng trường làm và chịu trách nhiệm về nhân sự họ tuyển dụng, trả lương. Tương tự, ở bậc phổ thông, quyền tuyển dụng, điều động, thuyên chuyển… giáo viên nên thuộc về ban giám hiệu. Nếu giao những quyền này cho cơ quan quản lý Nhà nước thì trái với nguyên tắc và xu thế tự chủ - tự chịu trách nhiệm trong giáo dục, khó bảo đảm khách quan và liêm chính.
Tiêu cực trong ngành giáo dục những năm qua diễn ra khá nhức nhối. Bài học xương máu về sự giám sát lỏng lẻo, để lợi ích nhóm tung hoành, nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng tại NXB Giáo Dục Việt Nam từ năm 2017 đến 2022 còn đang nóng hổi. Trong kết luận điều tra mới nhất, Cơ quan Điều tra Bộ Công an kiến nghị: Cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của NXB Giáo Dục...
Định hướng xây dựng pháp luật luôn hướng tới việc cắt giảm những thủ tục rườm rà để khắc chế nguy cơ tham nhũng, trục lợi. Song, đi kèm với việc đơn giản hóa, phân cấp phân quyền sâu phải luôn có cơ chế giám sát thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Vì lẽ đó, Luật Nhà giáo - nếu giao nhiều quyền cho cơ quan này, tổ chức kia - thì cũng không được thiếu cơ chế rõ ràng và đủ mạnh để kiểm soát quyền lực.
Bình luận (0)