Đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì cuộc họp lắng nghe ý kiến của các sở, ngành và các địa phương với tờ trình của Sở Tài nguyên – Môi trường về dự thảo "Quyết định quy định về khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 trên địa bàn TP HCM" (gọi tắt là dự thảo).
Qua góp ý của các thành viên dự họp và kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, Sở Tài nguyên – Môi trường đã rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo.
Theo đó, chất thải từ hoạt động nạo vét, đổ thải vật chất nạo vét phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Một khu vực, địa điểm đổ thải có thể tiếp nhận vật chất nạo vét phát sinh từ nhiều dự án nạo vét hệ thống giao thông đường thủy nội địa hoặc đường biển.
Khu vực, địa điểm đổ thải vật chất nạo vét phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã hội, di tích lịch sử, khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, phải đảm bảo các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, sông hồ, kênh rạch theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Khu vực đổ thải phải có bờ bao (bằng đất, bê tông cốt thép hoặc vật liệu khác có chiều cao, độ dày phù hợp với khối lượng tiếp nhận), dung tích lưu chứa phù hợp để đảm bảo thời gian lắng và tiêu thoát nước.
Chủ dự án nạo vét phải tuân thủ, xác định thời gian hoạt động các loại phương tiện thủy nạo vét để giảm thiểu tiếng ồn ảnh hưởng đến khu đông dân cư.
Phương tiện vận chuyển phải đảm bảo tuân thủ quy định về các khu vực cấm và khu vực hạn chế đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành.
Chủ dự án, công trình không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trong quá trình thực hiện nạo vét và đổ thải.
Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, có ý kiến chuyên ngành đối với các vị trí đổ thải vật chất nạo vét do các cá nhân, tổ chức tự đề xuất.
Sở Xây dựng có ý kiến về sự phù hợp của việc tiếp nhận, sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng. Trường hợp cần thiết thì Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư các dự án nạo vét thực hiện phương án gia cố kết cấu của khu vực đổ thải.
Việc tổ chức thực hiện, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan đối các vị trí đổ thải vật chất nạo vét do chủ dự án chủ động tìm kiếm, đề xuất phải trải qua 3 bước và Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tổng hợp, tham mưu UBND TP HCM xem xét, giải quyết theo quy định.
Bình luận (0)