Báo cáo về tiến độ, đại diện Ban quả lý dự an đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết trong 6 tháng vừa qua, công tác giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ. Đến nay, các quận, huyện đã giải phóng mặt bằng được 774/791 ha, đạt 97,86% diện tích phục vụ dự án. Một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi, đầu đến để tái định cư cho các hộ dân.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo. Việc các địa phương chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển thiết bị ngầm nổi, dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án.
Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết qua theo dõi, giám sát nhận thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chưa nghiêm, chủ yếu là trách nhiệm của các sở như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường liên quan đến những vấn đề rất đơn giản như thẩm định đầu ra, đầu vào. Đây là trách nhiệm chỉ đạo của người đứng đầu và trách nhiệm tham mưu trực tiếp của các phòng, ban chuyên môn ở các đơn vị này.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng kết quả giải phóng mặt bằng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đã quyết liệt rồi, phải quyết liệt hơn nữa.
Vướng mắc chính của việc giải phóng mặt bằng là cơ chế chính sách và thủ tục hành chính. Về vướng mắc trong thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đây là vấn đề "nói mãi rồi" và có rất nhiều giải pháp đưa ra như: phân cấp, phân quyền; quy trình công tác; chỉ thị 24 về chống đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm...
"Tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy phải vào cuộc. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi các quận, huyện nơi đường Vành đai 4 đi qua phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án" - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu và tổ chức đợt giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và làm "đến nơi đến chốn". Các kết luận giám sát phải rõ ràng, trên tinh thần người tốt thì biểu dương, chưa làm tốt thì nhắc nhở, có vi phạm thì phải xử lý. Từ đó tạo chuyển biến chung, trong đó có những công việc liên quan đến tiến độ dự án đường Vành đai 4.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm 242 ngôi mộ còn lại để bảo đảm tiến độ thi công đường song hành Vành đai 4. Tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân bị ảnh hưởng của tuyến đường Vành đai 4.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, hiện nay, có tình trạng cùng cấp nhưng sở này lại phải trình báo cáo sang sở kia trước khi trình UBND thành phố. Nếu do quy chế thì cần phải xem xét chỉnh sửa quy chế làm việc, quy chế phối hợp; không để công việc chậm trễ kéo dài vì chủ quan
Đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn GPMB các công trình ngầm, nổi, nhất là đường dây 500kV, phấn đấu xong trong quý III năm nay.
Đối với đường song hành, Bí thư Đinh Tiến Dũng lưu ý phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công vì hiện nay nguyên vật liệu cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu; bảo đảm tháng 12-2024 hoàn thành đoạn Sóc Sơn-Mê Linh, phấn đấu quý III-2025 xong các đoạn còn lại như các nhà thầu cam kết.
Đối với dự án thành phần 3 (đường cao tốc), Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cơ quan thành phố đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để tách dự án thành phần 3 cây cầu (2 cầu qua sông Hồng, 1 cầu qua sông Đuống) ra, để khi đường song hành hoàn thành có thể kết nối lưu thông và sử dụng được ngay.
Bình luận (0)