UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ GTVT và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.
Phối cảnh dự án vành đai 4
Theo đề xuất của TP Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng. Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng.
Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.
Khung giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc vành đai 4 được tham chiếu các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 và các quy định hiện hành.
Dự án đường vành đai 4 được khởi công vào tháng 6-2023, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án thành phần 3 vành đai 4 Hà Nội gồm xây dựng đường cao tốc 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư 55.052 tỉ đồng.
UBND TP Hà Nội đề xuất phân chia dự án thành phần 3 thành hai hạng mục. Hạng mục 3.1 (vốn ngân sách) có tổng mức đầu tư gần 26.600 tỉ đồng, gồm xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn từ nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7 km.
Hạng mục 3.2 (vốn đầu tư BOT) có tổng mức đầu tư gần 28.460 tỉ đồng, gồm xây dựng đường cao tốc các đoạn từ nút giao Nội Bài - Lào Cai đến nút giao quốc lộ 6, từ nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo phương thức PPP.
Bình luận (0)