Chiều 16-3, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật TP HCM, điều phối phiên thảo luận này.
Trao đổi tại phiên thảo luận, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã đưa ra 2 câu chuyện báo bị xâm phạm bản quyền:
Vào giữa năm 2023, một tập đoàn nước ngoài sử dụng hình ảnh thuộc bản quyền của Báo Người Lao Động. Đến đầu năm 2024, phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng bị một đài truyền hình lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, trong khi nhà đài này đã hết thời hạn được khai thác tư liệu của Báo Người Lao Động.
"Vậy có kiện được không, hay chỉ khiếu nại để đánh động, hay im lặng cho qua? Còn bao nhiêu kênh YouTube khác đã, đang "nấu cháo trên lưng đồng nghiệp" như thế này? Đây là vấn đề nhức nhối" - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhận xét.
Theo nhà báo Dương Quang, Báo Người Lao Động từng nhiều lần bị các cá nhân, doanh nghiệp hoặc đồng nghiệp khai thác vô tội vạ và kiếm ra tiền từ những tác phẩm đó.
"Những người ăn cắp hay nhát gan nên chúng ta phải mạnh mẽ và kiện ra tòa là giải pháp văn minh" - nhà báo Dương Quang nhấn mạnh.
Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động kiến nghị khi sửa đổi Luật Báo chí, cần có chương riêng về bản quyền và bảo vệ bản quyền. Mặt khác, trường đại học cần đưa bộ môn bản quyền báo chí vào dạy, hoặc cũng có thể đưa bản quyền báo chí vào môn Pháp luật và đạo đức nghề báo.
Nhà báo Dương Quang cho rằng ngày nay, sinh viên giỏi dễ sở hữu những tác phẩm báo chí nhưng họ chưa ý thức được về bản quyền. Nếu sinh viên ý thức được tài sản của mình lúc còn đi học thì khi làm nghề, ý thức ấy sẽ cao hơn.
"Theo quan sát của tôi thì trong các chương trình đào tạo hiện nay, dường như vấn đề này còn mỏng, nhà trường có thể đề xuất để đưa vào giảng dạy, bởi đi học mà thấm vào máu rồi thì sau này sẽ ý thức rất tốt" - nhà báo Dương Quang nhìn nhận.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho rằng bản quyền báo chí không còn là câu chuyện mới. Trước đây, đã có nhiều thảo luận về một liên minh bản quyền báo chí song vẫn chưa thành hiện thực; nay cần xới lại vấn đề để tìm những giải pháp mới, thông qua sự hậu thuẫn của cơ quan nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin.
Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đánh giá tình trạng copy không xin phép là một trong những nguyên nhân gây sụt giảm nguồn thu của cơ quan báo chí. Thế nhưng, chế tài việc vi phạm bản quyền còn bất cập...
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất cần thiết lập một liên minh của tất cả cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế mang tính bao trùm. Đây cũng là liên minh giữa cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan pháp luật và doanh nghiệp có lợi ích liên quan.
Mặt khác, liên minh này phải thống nhất các luật chơi ký kết, được cơ quan nhà nước bảo chứng và làm "trọng tài".
"Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ để hình thành liên minh trong thời gian sớm nhất. Có thể xây dựng một đội ngũ chuyên gia, tham khảo quốc tế để sớm hình thành và Báo Thanh Niên sẽ không đứng ngoài cuộc chơi" - nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.
Bình luận (0)