Ngày 16-3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích" đã diễn ra.
Đây là hoạt động chính trong Hội Báo toàn quốc 2024, đang diễn ra tại TP HCM.
Diễn giả phiên thảo luận gồm: Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết. Khách mời: Các nhà báo Hồ Trí (VTV24); Võ Mạnh Hùng (Báo điện tử VietnamPlus), Chu Trung Đức (VOV Giao thông).
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng điều hành phiên thảo luận.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Phùng Công Sưởng nhìn nhận phóng sự điều tra là thể loại "búa bổ", là "hòn đá tảng" trên mỗi tờ báo. Hiện nay, số lượng các tác phẩm điều tra trên các báo khá thưa thớt, ít có tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, làm phóng sự điều tra khó, khổ và cô đơn, nhiều khi phải nằm bờ nằm bụi; đối tượng điều tra là người giỏi, có quyền lực… Còn cô đơn là khi chúng ta làm việc khó, con đường chỉ mình ta đi thôi, không thể chia sẻ.
Nhà báo Phùng Công Sưởng cũng chỉ ra những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải, bao gồm việc sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng.Hay như tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe dọa và bị hành hung…
Để báo chí điều tra phát triển, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng cần tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; các cơ quan báo chí nên có phòng/ban/nhóm làm về điều tra; có chính sách thu nhập phù hợp cho phóng viên làm điều tra; cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.
Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết, khẳng định làm phóng sự điều tra rất nguy hiểm.
Mặt khác, các tuyến bài điều tra thường xuyên bị can thiệp từ nhiều cấp bậc và các mối quan hệ đan xen. Nếu phóng viên, cơ quan báo chí không xử lý khéo vấn đề này, hầu hết các tuyến bài điều tra sẽ bị "việt vị".
Dẫn chứng kinh nghiệm khi thực hiện loạt bài "Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc 'ma mị' giữa thủ đô" - nhận giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2021 và Giải Báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021, nhà báo Lê Anh Đạt kể thời điểm đó, Báo Đại Đoàn Kết bị can thiệp rất nhiều. Mặc dù vậy, Ban Biên tập báo vẫn quyết định đi tới cùng sự việc và sử dụng báo giấy - phương thức không thể bị gỡ bỏ - để phát hành. Có ngày, Báo Đại Đoàn Kết dùng đến 5 trang báo giấy để đăng tải về sự việc.
Tuy thể loại phóng sự điều tra đang ngày càng khó thực hiện nhưng nhà báo Lê Anh Đạt tin tưởng thể loại này là thể loại làm nên sức sống của báo chí cách mạng.
Bước sang phần thảo luận, các nhà báo Hồ Trí (VTV24); Võ Mạnh Hùng (Báo điện tử VietnamPlus), Chu Trung Đức (VOV Giao thông) chia sẻ những khó khăn và rất nhiều chướng ngại vật trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra. Tuy vậy, các nhà báo đều nhấn mạnh lòng quyết tâm và niềm tin vào việc mình đã, đang và sẽ làm những điều có ích cho xã hội.
Bình luận (0)