Xác nhận sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga được đưa ra bởi lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) Kirill Budanov hôm 12-6.
RT mô tả khi được các phóng viên hỏi việc sử dụng vũ khí nước ngoài đã thay đổi tình hình trên chiến trường như thế nào và Moscow đang lên kế hoạch ứng phó với những cuộc tấn công này ra sao, tướng Budanov nhấn mạnh: "Các lực lượng Nga đã cảm nhận được chúng".
Lãnh đạo GUR cũng nói việc phương Tây nới lỏng quy định sử dụng vũ khí viện trợ đã khiến tình hình trở nên dễ dàng hơn đối với Ukraine.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về "lằn ranh đỏ" của Nga, tướng Budanov nói thực tế những lằn ranh ấy đã tồn tại nhưng Ukraine đã vài lần vượt qua chúng.
Mỹ và loạt nước phương Tây thời gian gần đây đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Các đồng minh của Kiev cho rằng điều này là cần thiết để đẩy lùi cuộc tiến công của Nga vào vùng biên giới Kharkov - Ukraine.
Tướng Budanov thừa nhận tình hình ở Kharkov hiện nay rất nghiêm trọng. Ông kêu gọi các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine thêm nhiều hệ thống phòng không hơn nữa.
Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ 3 nhưng chưa có tín hiệu lắng dịu. Đài RT dẫn tuyên bố từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12-6 cho biết Ukraine phải thắng trong xung đột để gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
"Ukraine phải chiếm ưu thế trong cuộc xung đột với Nga nếu muốn gia nhập NATO" – ông Stoltenberg nói.
Bình luận được đưa ra ông Stoltenberg trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Washington – Mỹ từ ngày 9 đến 11-7 tới.
Lãnh đạo NATO tiết lộ nội dung chính của thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. "Chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế - đó là điều kiện tối thiểu để Ukraine trở thành thành viên của liên minh" – Tổng thư ký Stoltenberg nêu rõ.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9-2022. Bất chấp đề nghị của Ukraine về việc đẩy nhanh lộ trình kết nạp, NATO đến nay vẫn từ chối ấn định một thời gian cụ thể hoặc lộ trình gia nhập cho Ukraine.
Các thành viên của liên minh loại trừ khả năng kết nạp Ukraine khi xung đột với Nga chưa kết thúc.
Kể từ năm 2023, Ukraine đã ký các hiệp định an ninh song phương với một số thành viên NATO, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, các thỏa thuận này không có điều khoản tương tự như Điều 5 Hiến chương NATO về "phòng thủ tập thể".
Nga coi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc khối này tiếp tục mở rộng về phía Đông là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc xung đột hiện nay.
Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh của nước này và khẳng định Ukraine phải là một quốc gia trung lập với lực lượng vũ trang hạn chế.
Bình luận (0)