Theo Live Science, "hóa thạch sống" vừa được đề cập trên tạp chí Evolution là Gar - những con thủy quái mõm dài kỳ dị của châu Mỹ. Chúng là những sinh vật tiến hóa chậm nhất trong số tất cả động vật có xương sống có hàm.
Dòng dõi thủy quái này thuộc họ Lepisostedae, với những loài hiện đại nhất về mặt giải phẫu xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch tận cuối kỷ Jura khoảng (163,5 đến 145 triệu năm trước). Tức từ đó đến nay, "dung nhan" của chúng không thay đổi.
Bảy loài hiện đang sống ở các hồ và sông ở Bắc và Nam Mỹ, trong khi một loài thỉnh thoảng dấn thân vào môi trường biển.
Theo các nhà nghiên cứu, thuật ngữ "hóa thạch sống" đôi khi gây tranh cãi vì một số "hóa thạch sống" khác tuy có vẻ ngoài rất giống họ hàng, nhưng nội tại thì đã tiến hóa đáng kể.
Nhưng những sinh vật mõm dài kỳ dị của châu Mỹ thì không.
Nhà nghiên cứu Chase Brownstein từ Đại học Yale (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm đã thực hiện các phân tích gene trên máy tính để chứng minh điều này.
Kỳ lạ hơn, chúng tiến hóa chậm đến nỗi 2 loài cách nhau 100 triệu năm tiến hóa vẫn có thể giao phối với nhau, ví dụ trường hợp của Alligator gars (Atractosteus spatula) và longnose gars (Lepisosteus osseus - cá sấu hỏa tiễn).
Hai loài này tách khỏi nhau trên cây tiến hóa cùng lúc với sự tách nhau của dòng dõi con người và dòng dõi gấu túi khỏi tổ tiên chung! Vì vậy, việc chúng lai với nhau cũng kỳ lạ như việc lai con người với gấu túi.
Nhưng với Gar, điều đó hoàn toàn khả thi vì hai loài này vẫn rất giống nhau. Thậm chí con lai của chúng vẫn sinh sản được.
Các giống lai khác loài ngày nay - dựa trên các loài mới tách tổ tiên chưa lâu - thường vô sinh, ví dụ trường hợp của các con la.
Tất cả chỉ để cho thấy một điều: Quái vật Gar của châu Mỹ hầu như vẫn giữ nguyên vẹn các đặc tính cổ xưa, từ trong ra ngoài.
Chúng đã giữ "thuần khiết" dòng máu suốt thời gian đó, không lai với các loài cá sấu khác dù chia sẻ môi trường sống, một trong những lý do khiến chúng gần như ngừng tiến hóa.
Bình luận (0)