Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 25-1 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý IV/2023 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhờ xuất khẩu, chi tiêu chính phủ và đầu tư kinh doanh tăng. Con số này cao hơn so với mức dự báo 2% của các chuyên gia.
Trước đó, các nhà kinh tế từng đưa ra những dự báo ảm đạm dựa trên tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2023. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đã rút lại dự đoán suy thoái kinh tế và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm 2024 dù ở mức chậm hơn.
Báo cáo ngày 25-1 cũng bao gồm dữ liệu khả quan về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát ưa dùng của FED và không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 2% trong quý IV/2023. Trong khi đó, PCE toàn phần chỉ tăng 1,7%.
Chiến lược gia Kevin Gordon của Tập đoàn Tài chính Charles Schwab (Mỹ) nhận định với đài CNBC rằng đây là những số liệu lành mạnh, gần đạt đến "tiêu chuẩn vàng" của FED là kinh tế tăng trưởng nhưng lạm phát không cao.
Trong khi đó, ông Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận kinh tế khu vực Mỹ tại Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nhấn mạnh báo cáo ngày 25-1 cho thấy năm 2023 có hiệu suất tăng trưởng kinh tế vượt trội, đặc biệt là trong bối cảnh FED thực hiện chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ.
Nhờ số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng trong khi lạm phát duy trì xu hướng giảm, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 25-1 (giờ địa phương) đã có phiên giao dịch tăng điểm.
Theo hãng tin Reuters, FED dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% hiện nay trong cuộc họp vào tuần tới. Kể từ tháng 3-2022, FED đã tăng lãi suất 5,25 điểm %. Hầu hết trong số 123 nhà kinh tế được Reuters khảo sát nhận định FED sẽ cắt giảm lãi suất vào quý II/2024, nhiều khả năng trong tháng 6 hơn là tháng 5.
Cùng với dữ liệu kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực và căng thẳng ở biển Đỏ tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu, giá dầu tăng khoảng 3% ngày 25-1, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12-2023.
Giá dầu tiếp tục giữ mức ổn định trong phiên giao dịch châu Á ngày 26-1, với giá dầu Brent có lúc ở mức 81,88 USD/thùng trong khi giá dầu WTI quanh ngưỡng 76,64 USD/thùng.
Ông Joshua Mahony, Giám đốc phân tích thị trường tại Công ty Scope Markets, nhận định thị trường năng lượng phản ứng trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, nhất là khi chưa thể bảo đảm việc đi lại an toàn trên biển Đỏ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trữ lượng dầu tồn kho nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước - giảm 9,2 triệu thùng, chủ yếu do thời tiết giá rét, cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu được kéo lên nhờ kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi ngân hàng trung ương nước này tuyên bố cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc hôm 24-1. Động thái này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 140 tỉ USD tiền mặt được bơm vào hệ thống ngân hàng, thúc đẩy nhu cầu dầu và góp phần tăng giá dầu - theo ông John Kilduff tại Công ty Tư vấn đầu tư Again Capital LLC.
Trung Quốc vào cuộc ở biển Đỏ?
Trung Quốc được cho là đã yêu cầu Iran hỗ trợ kiềm chế các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thuyền trên biển Đỏ. Reuters ngày 26-1 dẫn các nguồn tin mật từ Iran tiết lộ Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ sẽ rất thất vọng với Tehran nếu tàu thuyền liên quan đến Trung Quốc bị tấn công hoặc lợi ích của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Theo chuyên gia Gregory Brew của Công ty Eurasia Group (Mỹ), Trung Quốc hoàn toàn có khả năng gây sức ép lên Iran, đặc biệt là khi Iran đang hy vọng thu hút thêm đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ trong 10 năm qua.
Khi được hỏi về những thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mục tiêu của họ là "thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, cũng như tìm kiếm sự thịnh vượng và phát triển chung".
Kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10-2023, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen liên tục tấn công tàu thuyền trên biển Đỏ nhằm "thể hiện sự ủng hộ dành cho người Palestine trên Dải Gaza".
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn một tuyến đường thương mại quan trọng vốn được tàu thuyền Trung Quốc sử dụng rộng rãi, khiến chi phí vận chuyển và bảo hiểm gia tăng.
Trong một tuyên bố ngày 25-1, người đứng đầu Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Jan Hoffman khẳng định các cuộc tấn công trên biển Đỏ "đang khiến căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn thương mại gây ra bởi căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu".
Theo dữ liệu của UNCTAD, lưu lượng vận chuyển qua kênh đào Suez đã giảm 42% trong 2 tháng qua, khi tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi để tránh bị tấn công.
Cao Lực
Bình luận (0)