Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7-9 tìm cách trấn an người dân rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn mạnh mẽ, bất chấp một loạt báo cáo việc làm yếu kém mới đây làm các nhà đầu tư lo ngại và gây sức ép lên thị trường chứng khoán.
Bà Yellen cho biết tăng trưởng việc làm đã chậm lại so với "cơn sốt tuyển dụng" khi Mỹ mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Song, nền kinh tế nước này vẫn phục hồi mạnh mẽ và về cơ bản đang hoạt động ở mức "việc làm đầy đủ".
Bộ trưởng Yellen đưa ra nhận định trên sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm trong tháng 8. Cụ thể, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 142.000 trong tháng 8, thấp hơn mức dự báo là 161.000 việc làm. Dù vậy, tỉ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 4,2% và tăng trưởng việc làm trong tháng 8 vẫn cao hơn tháng 7.
Số liệu việc làm mới này làm dấy lên lo ngại về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thực hiện cú "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế hay không, tức tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và sau đó thực hiện cắt giảm trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo đài CNBC, bà Yellen cho rằng kinh tế Mỹ đang trên lộ trình "hạ cánh mềm".
Nhiều thị trường giờ đây tin chắc FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp định kỳ trong hai ngày 17 và 18-9. Vấn đề được quan tâm lúc này là quy mô cắt giảm lãi suất.
FED giữ lãi suất ở mức 5,25% - 5,50% kể từ tháng 7-2023 sau khi liên tục nâng lãi suất để đối phó lạm phát. Lạm phát theo thước đo chuẩn của FED hiện đã giảm mạnh so với mức đỉnh khoảng 7% của giai đoạn giữa năm 2022.
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group, thị trường đã dự đoán FED sẽ hạ 0,25 điểm % sau khi báo cáo việc làm mới nhất được công bố.
Bà Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Quản lý đầu tư Principal Asset Management (Mỹ), cho rằng quyết định của FED phụ thuộc vào việc họ đánh giá rủi ro nào lớn hơn: áp lực lạm phát quay trở lại nếu cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % hoặc suy thoái có nguy cơ xảy ra nếu mức cắt giảm lãi suất chỉ là 0,25 điểm %.
Một số chuyên gia nhận định báo cáo việc làm mới nhất cho thấy sự giảm tốc của thị trường lao động vẫn diễn ra trật tự và ít có khả năng FED cắt giảm lãi suất mạnh tay trong tháng này.
Ông Drew Matus, chiến lược gia trưởng về thị trường tại Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư MetLife Investment Management (Mỹ), nhìn nhận báo cáo này cho thấy FED không có lý do gì phải vội vã. Ông Matus cũng tiếp tục kỳ vọng FED hạ lãi suất 0,75 điểm % trong năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Eugenio Aleman của Ngân hàng Raymond James (Mỹ) khẳng định FED buộc phải cắt giảm lãi suất trong phiên họp sắp tới vì thị trường lao động đang chậm lại. Tuy nhiên, theo ông Aleman, FED sẽ không hạ lãi suất 0,5 điểm % vì động thái này sẽ gửi "một thông điệp không chính xác đến thị trường rằng nền kinh tế đang đổ vỡ" và đó là điều họ không muốn làm.
Trong khi đó, ông Lou Basenese, Chủ tịch Công ty Môi giới MDB Capital (Mỹ), dự báo cổ phiếu sẽ còn tiếp tục giảm trước khi FED chính thức tuyên bố cắt giảm lãi suất. Một kịch bản như thế có thể gây áp lực buộc FED phải cắt giảm 0,5 điểm %, thay vì 0,25 điểm %.
Tín hiệu từ giới chức FED
Các nhà hoạch định chính sách của FED vừa phát tín hiệu sẵn sàng bắt đầu đợt hạ lãi suất khi ngân hàng trung ương này nhóm họp định kỳ trong tháng 9-2024.
Phát biểu tại Trường ĐH Notre Dame (Mỹ) cuối tuần rồi, Thống đốc FED Christopher Waller lặp lại tuyên bố trước đó của Chủ tịch FED Jerome Powell, khẳng định đã đến lúc nới lỏng chính sách tiền tệ. Ông Waller nhấn mạnh FED có thể sẽ phải thực hiện "nhiều đợt hạ lãi suất liên tiếp" nếu thị trường lao động tiếp tục chậm lại.
Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams cũng ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất khi lập luận rằng nền kinh tế đang ở trạng thái cân bằng và lạm phát đang trên đà giảm xuống mức 2%. Chủ tịch FED chi nhánh Chicago Austan Goolsbee có cùng quan điểm, cho biết ông muốn hiệu chỉnh chính sách dựa trên dữ liệu thực tế.
Cả 3 quan chức FED nói trên đều nhận định nỗ lực giảm lạm phát đang tiến triển. Theo ông Waller, lạm phát hiện đi đúng hướng để đến được mục tiêu 2% của FED. Ông Waller nhận xét báo cáo việc làm mới nhất, cùng với những dữ liệu gần đây, củng cố quan điểm rằng thị trường lao động đã tiếp tục điều chỉnh. Quan chức này nhận định dữ liệu nói trên cho thấy sự suy yếu, đòi hỏi cần phải hành động.
Theo các chuyên gia Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), đây được xem là dấu hiệu cho thấy FED có thể bắt đầu với mức giảm lãi suất 0,25 điểm % tại cuộc họp sắp tới, trước khi cân nhắc những đợt cắt giảm sâu hơn nếu thị trường lao động tiếp tục xấu đi.
Cao Lực
Bình luận (0)