TP HCM giữ vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TP HCM cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về nền kinh tế số tại Việt Nam.
Thiết lập các mô hình quản trị phù hợp
Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, TP HCM sẽ trở thành "bệ đỡ" phát triển cho vùng, là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, ngoài việc ưu tiên quy hoạch, đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết, TP HCM còn ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp hiện đại, công nghệ chất lượng cao và đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị, tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững. Thành phố cần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.
Để kinh tế số thực sự là động lực phát triển bền vững, đối với giải pháp về quản trị và chính sách, TP HCM cần thiết lập các mô hình quản trị mới nhằm thực hiện thành công các chương trình nghị sự về chính sách kinh tế số. TP HCM cần thành lập cơ quan/đơn vị chuyên trách giám sát và điều phối phát triển kinh tế số, gồm: Quản lý sự hợp tác giữa các phòng, ban và ứng dụng công nghệ mới nổi vào các ngành ưu tiên; triển khai các mô hình sandbox (môi trường kiểm thử an toàn). Đồng thời, cần triển khai cơ chế quản lý thử nghiệm trong các khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung; tập trung triển khai sandbox trong các lĩnh vực thuộc những ngành nghề trọng điểm như: dịch vụ tài chính, dịch vụ công nghệ số, vận chuyển và hậu cần (logistics)…
TP HCM cần định hướng, phát triển các ngành công nghệ thông tin - truyền thông cốt lõi. Trong đó, dựa trên phân loại của Bộ Thông tin và Truyền thông, có 9 phân nhóm dịch vụ thông tin - truyền thông chính, chia làm 3 nhóm: sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông. Các phân nhóm này cần được phân tích, đánh giá, để từ đó chọn ra những phân nhóm phù hợp nhất cho sự phát triển của TP HCM trong thời gian tới.
Chú trọng phần mềm ứng dụng nâng cao
Để dẫn đầu khu vực về phần mềm ứng dụng tiên tiến theo ngành và lĩnh vực, TP HCM cần tập trung phát triển phần mềm ứng dụng nâng cao phục vụ kinh tế số.
TP HCM cần phát triển các phần mềm có nhiều tiềm năng như: phần mềm dịch vụ công, dịch vụ tài chính; phát triển phần mềm và dịch vụ cơ sở hạ tầng nâng cao, trong đó tập trung sản xuất phần mềm an ninh mạng để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, xây dựng trung tâm phát triển quốc gia về hạ tầng dịch vụ điện toán đám mây, trong đó phát triển các dịch vụ điện toán đám mây và điện toán biên. TP HCM cần đẩy mạnh sự chuyển dịch lên các ngành điện tử, bán dẫn tiên tiến, công nghệ cao để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao là đòi hỏi quan trọng. TP HCM cần đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển với mục tiêu xây dựng, nâng cao năng lực về nghiên cứu và khả năng ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy kinh tế số trong tương lai. Thành phố cần đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu phát triển về ngành công nghệ cao và các ngành kinh tế số.
TP HCM cần phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế số. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ 5G, internet tốc độ cao để bảo đảm hoạt động thống nhất của các dịch vụ số và nền tảng số; phát triển nền tảng chính quyền số tích hợp với cơ sở dữ liệu mã nguồn mở...
Bình luận (0)