Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên nhấn mạnh, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, có thể khẳng định Ninh Thuận đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực.
Thời gian tới, việc phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động phục vụ chuyển đổi số tại địa phương là cần thiết và cấp bách.
Ông Đào Xuân Kỳ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương đang phát triển trên 4 trụ cột gồm công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây trong toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến nay, Ninh Thuận đã thành lập 446 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 2.439 thành viên. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư. Tỉnh cũng đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm...
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP. Một trong các giải pháp thúc đẩy kinh tế số đó là tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực.
Bình luận (0)