Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vào ngày 25-10 về việc chuẩn bị hồ sơ chuyển giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) về Ủy ban.
VNPT và MobiFone là 2 trong số 19 "ông lớn" sẽ chuyển giao về Ủy ban trong thời gian sắp tới. Theo đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT), VNPT và MobiFone đều đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chuyển giao.
MobiFone sẽ chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong thời gian tới
Hai doanh nghiệp này cũng đang tích cực hoàn thành báo cáo tài chính trước thời hạn chuyển giao 31-10-2018. Đối với VNPT, có 14 đầu việc đang triển khai, chưa hoàn thành sẽ chuyển giao để Ủy ban hoàn thành tiếp. Trong khi MobiFone cũng có 10 đầu việc chưa hoàn thành, sẽ được chuyển giao về "siêu ủy ban".
Tại buổi làm việc, MobiFone cũng đề nghị việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020; xếp hạng doanh nghiệp đặc biệt và báo cáo đánh giá xếp loại doanh nghiệp sẽ để Bộ TT-TT thực hiện trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết chậm nhất trong tháng 11 phải thực hiện xong công tác chuyển giao. Để kịp tiến độ này, ông Hoàng Anh cho biết Ủy ban đã làm việc với từng doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó có phương án chuyến giao phù hợp, tránh xáo trộn.
Người đứng đầu Ủy ban mong muốn Bộ TT-TT tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ để hoàn thành tốt công việc, thực hiện chuyển giao doanh nghiệp đúng tiến độ đã đề ra.
Khẳng định tầm quan trọng của VNPT và MobiFone trong ngành viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng khi 2 doanh nghiệp này chuyển giao về Ủy ban sẽ phát huy được thế mạnh, tạo được lợi thế cạnh tranh và có bước phát triển mới cho doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó vào ngày 30-9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt. Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn tại 19 doanh nghiệp. 19 doanh nghiệp này được chuyển giao lại từ các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TT-TT, Tài chính.
Ước tính, vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp này là khoảng 1 triệu tỉ đồng và tổng giá trị tài sản là 2,3 triệu tỉ đồng.
Danh sách 19 Tập đoàn, Tổng công ty chuyển giao về Ủy ban:
1- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;
2- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
3- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
4- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
5- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
6- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
7- Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam;
8- Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam;
9- Tổng công ty Viễn thông Mobifone;
10- Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam;
11- Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
12- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
13- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
14- Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
15- Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;
16- Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
17- Tổng công ty Lương thực miền Nam;
18- Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
19- Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;
Và các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)